Vụ việc được xác định xảy ra trên chuyến bay ET343 từ Khartoum (Sudan) tới Addis Ababa (Ethiopia) hôm 15/08, khi máy bay đang ở độ cao hơn 11,2km.
Thời điểm đó, máy bay theo lịch trình phải bắt đầu hạ cánh xuống sân bay ở Addis Ababa. Theo tờ Aviation Herald, trạm điều khiển không lưu đã nỗ lực kết nối với các phi công của chuyến bay nhưng không thành, do họ đã ngủ quên.
Hai phi công sau đó đã tỉnh dậy, sau khi hệ thống bay tự động ngắt kết nối và phát cảnh báo. Phi công sau đó đã có thể hạ cánh máy bay an toàn.
Dữ liệu đã xác nhận vụ việc, bởi máy bay đã bay qua đường băng của sân bay nhưng sau đó trở lại để tiếp cận khi hai phi công tỉnh dậy.
Vụ việc khiến dư luận bị sốc, nhiều người nhận định phi công ngủ gật là "thiếu chuyên nghiệp và nguy hiểm".
"Hy vọng cả hai phi công sẽ bị sa thải và giới chức hàng không sớm mở cuộc điều tra về lịch trình làm việc của phi hành đoàn hãng bay này. Thật may mắn là không có điều gì tồi tệ xảy ra," một người dùng mạng xã hội viết.
Tuy vậy, một số người khác cho rằng các phi công có thể đã phải làm việc quá sức và hãng hàng không đã tìm cách "che đậy vụ việc".
Một sự việc tương tự xảy ra hồi tháng 04, khi hai phi công của hãng ITA Airways ngủ gật trên chuyến bay chở 250 hành khách từ thành phố New York tới Rome.
Theo báo cáo về vụ việc, hai phi công này bắt đầu ngủ gật khi chiếc máy bay Airbus 330 họ điều khiển bay ở độ cao 11,5km. Các điều tra viên xác định phi công phụ đã ngủ khi không tham gia điều khiển máy bay, tuy vậy cơ trưởng lú đó cũng ngủ quên.
Đài kiểm soát không lưu cho biết họ đã mất liên lạc với máy bay khoảng 10 phút. Do lo ngại khả năng xảy ra tấn công khủng bố, giới chức đã tính đến chuyện điều máy bay chiến đấu can thiệp.
Tuy vậy, hai phi công sau đó đã trả lời đài kiểm soát không lưu. Máy bay hạ cánh an toàn tại Rome, nhưng cơ trưởng chuyến bay sau đó bị sa thải.
Hà An (Nguoiduatin.vn)