Deepfake là kỹ thuật tổng hợp hình ảnh, âm thanh hoặc video để tạo ra những nội dung giả mạo, nhằm gây hiểu nhầm cho người xem.
Những người biểu tình cho biết họ muốn có biện pháp cứng rắn hơn, đòi lại công lý cho các nạn nhân và trách nhiệm giải trình của chính phủ trong xử lý nạn dịch tội phạm tình dục đáng báo động trên toàn quốc.
Ngày 26/9, Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật trừng phạt những đối tượng sở hữu, mua, lưu trữ hoặc xem tài liệu khiêu dâm giả mạo và các video bịa đặt khác với mức phạt lên tới 3 năm tù hoặc phạt tiền lên tới 30 triệu won (23.000 USD).
Dự luật chờ được Tổng thống Yoon Suk Yeol ký để thành luật.
Tuy nhiên, dự luật không đáp ứng được yêu cầu của những người biểu tình. Họ cho rằng nỗ lực đó chưa đủ để chống lại tội phạm tình dục mà cần làm nhiều hơn nữa để trừng phạt những kẻ vi phạm và ngăn chặn hiệu quả hành vi đó.
Họ cho rằng vấn đề nghiêm trọng hơn là phần lớn cả thủ phạm và nạn nhân đều là thanh thiếu niên.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, từ đầu năm đến nay đã có hơn 800 báo cáo của cảnh sát về hành vi tội phạm tình dục sử dụng deepfake.
Cảnh sát đã bắt giữ 387 nghi phạm, trong đó hơn 80% là thanh thiếu niên. Khoảng 60% nạn nhân liên quan đến các vụ án được cảnh sát điều tra trong 3 năm qua cũng là trẻ vị thành niên.
Đầu tháng này, cảnh sát Hàn Quốc cho biết đã mở cuộc điều tra để làm rõ xem liệu ứng dụng Telegram có tiếp tay cho hành vi lan truyền nội dung khiêu dâm deepfake hay không.
Các kênh Telegram với hơn 220.000 người tham gia đang được sử dụng để chia sẻ những tài liệu này.
Các đối tượng thường vào mạng xã hội như Instagram để lấy ảnh của nạn nhân, sau đó sử dụng công cụ AI để tạo thành hình ảnh hoặc video khiêu dâm giả mạo.
Theo báo chí Hàn Quốc, nhiều người trở thành nạn nhân của bạn cùng lớp và đồng nghiệp. Tình trạng này khiến nhiều phụ nữ Hàn Quốc sợ hãi trường học và nơi làm việc của họ.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng phim khiêu dâm deepfake nổ ra, nhiều phụ nữ vội vàng xóa hình ảnh và video của họ khỏi mạng xã hội.
“Tôi không còn đăng ảnh lên mạng xã hội nữa, dù đó là ảnh của chính tôi hay ảnh của bạn bè và gia đình. Thanh thiếu niên nên lo lắng hơn, nhưng tôi không nghĩ tuổi tác là vấn đề vì nó sẽ trở nên nguy hiểm một khi bạn gặp phải”, một phụ nữ Hàn Quốc nói với CNA .
Tham gia biểu tình mỗi tuần một lần ở Seoul kể từ tháng trước, Choi Ji-hyeon, người đứng đầu một câu lạc bộ nhân quyền ở Seoul, cho biết một số bạn cùng lớp của cô đã vào phòng trò chuyện khiêu dâm deepfake trên Telegram để kiểm tra xem họ có trở thành nạn nhân hay không.
“Bây giờ tôi sợ mạng xã hội hơn vì nguy cơ bị đánh cắp (thông tin cá nhân) để tạo ra nội dung tục tĩu . Chúng ta cần giáo dục mọi người về luật pháp”, một người biểu tình khác cho biết.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)