Stacy được đưa khỏi Sài Gòn vào tháng 3/1975, là một trong hàng nghìn trẻ em mồ côi đã được đưa đi trong chiến dịch Không vận Trẻ em (Babylift) mà chính phủ và các tổ chức dân sự Mỹ thực hiện. Mẹ Stacy, Ngô Thị Điệp, là một cô gái trẻ miền Tây, đã có mang với một người lính Mỹ, và không thể nuôi nổi cô vì nghèo.
Stacy Thúy khi mới đặt chân đến nước Mỹ. |
Nhưng bà Điệp đã nhầm. Bà muốn con mình thoát khỏi sự nghèo khó và chiến tranh - nhưng bóng ma của sự bất hạnh vẫn đeo đuổi Thúy ngay cả khi cô đã sang bên kia bờ đại dương.
Cha nuôi của Thúy là một cựu phi công từng tham chiến ở Việt Nam. Vợ chồng ông đã có hai đứa con trai, và muốn nhận nuôi một đứa con gái sau hai lần sảy thai. “Có thể lúc đầu ông ấy mang một nguyện ước tốt, thực sự muốn nhận một đứa con gái. Nhưng đôi khi tôi tự hỏi rằng liệu có phải là ông không thể thoát ra khỏi ký ức hậu chiến và đó là lý do ông ta trút sự phẫn uất lên mình”.
Cha và anh nuôi của Thúy đã đánh đập cô suốt cả tuổi thơ; liên tục nói với cô rằng “mày là quỷ dữ, không ai cần mày ở đây”. Cô tự đổ lỗi cho mình: cô tin rằng mình sinh ra là một sai lầm, và không ai mong muốn cô có mặt trên đời này. Và đứa trẻ ngày ấy đã tự tìm cách kết liễu cuộc sống.
Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi Stacy Thúy bước vào tuổi thiếu niên. Nhà trường phát hiện ra các vụ bạo hành. Các trung tâm xã hội vào cuộc, và điều đó chỉ càng khiến cho những trận đòn thù tăng lên mỗi lần cô gặp cha nuôi. “Tôi trốn thực tại bằng ma túy, âm nhạc, bỏ học và trốn khỏi nhà”, Stacy viết. Bác sĩ nói rằng việc cô sống sót sau 100 viên thuốc an thần ở tuổi 17, là một điều vô lý.
“Tôi còn căm ghét Chúa trời hơn vì đã để tôi sống”, Stacy nghĩ khi ấy.
Stacy không phải đứa trẻ Babylift duy nhất bị bóng ma của cuộc chiến đeo đẳng. Thúy Nguyễn, một người bạn thân của Stacy cũng đã trải qua những ngày tháng tuổi thơ đen tối cùng cha nuôi. Vì một lý do nào đó, cha mẹ nuôi của Thúy Nguyễn nhận nuôi tới 4 đứa trẻ lai giữa phụ nữ Việt Nam và lính Mỹ da màu, và rồi sau đó, không đủ sức nuôi nấng.
“10 tháng sau khi tôi đến Mỹ, mẹ nuôi tôi chết vì một cơn đau tim ngay trên bàn ăn, trước mặt lũ trẻ chúng tôi. Và chúng tôi được để lại cho một người đàn ông đáng lẽ không bao giờ được phép nuôi trẻ em”.
Cô bắt đầu bị cha nuôi lạm dụng tình dục từ năm 5 tuổi. Ông ta cho Thúy bất kỳ thứ gì cô muốn, và điều đó khiến các anh chị em ghét cô. “Họ cho rằng tôi được nuông chiều, nhưng không bao giờ họ biết cái giá phải trả là gì”.
Thúy Nguyễn đã lớn lên, cũng như Stacy, trong một trạng thái đầy bất cần với cuộc sống - cô từng một lần ngồi tù, và trải qua nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ.
Tìm về cội nguồn
Chỉ có tình yêu mới chữa lành được những vết thương nơi họ. Năm 19 tuổi, Stacy Thúy gặp người đàn ông của đời mình. Khi ấy, cô đang nghiện cocaine nặng. Chính anh đã giúp cô cai nghiện, rồi họ cưới nhau và cùng xây dựng một gia đình nhỏ. Họ đã ở bên nhau hơn 20 năm. “Bây giờ, ở bên chồng, tôi mới hiểu rằng tại sao Chúa muốn tôi phải sống tiếp”.
Stacy Thúy bên mộ mẹ ruột. |
Tháng 4/2015, lần đầu tiên Stacy cùng chồng quay trở về Việt Nam để tìm lại mẹ ruột. Đó là một cuộc tìm kiếm dài và nhiều nước mắt: mẹ cô đã mất, chỉ còn lại những người anh em cùng mẹ.
Nhưng ở đó, cô tìm lại được sự thanh thản cuối cùng. “Trái tim tôi tan nát vì biết mẹ đã mất; nhưng cũng trái tim tôi, lại vỡ òa vui sướng vì tìm lại được gia đình”, cô nhắn tin cho bạn bè vào ngày 23/4 mới đây, ngày kết quả ADN được công bố.