Tình cảnh đáng thương của trẻ mồ côi ở Hàn Quốc
Kể từ khi đạo luật về nhận nuôi con ở Hàn Quốc được sửa đổi vào năm 2012, số lượng những đứa trẻ bị bỏ lại nhà thờ đã tăng từ 2 lên 20 bé. Theo như các mục sư thì lý do chính dẫn đến hiện tượng này nằm ở việc các quy định pháp lý được nới lỏng hơn trước.
Lịch sử nhận con nuôi ở Hàn Quốc bắt nguồn từ một sự kiện khá đặc biệt. Sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, những đứa trẻ mới sinh mang trong mình 2 dòng máu, là sản phẩm của những mối tình đoàn tụ thời hậu chiến giữa lính biên ải và phụ nữ Hàn Quốc vào những thập niên 50 của thế kỷ trước. Các bé đều bị bỏ lại khắp Hàn Quốc tại những thành phố hoang tàn vì chiến tranh.
Sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, những đứa trẻ mới sinh mang trong mình 2 dòng máu, là sản phẩm của những mối tình đoàn tụ thời hậu chiến giữa lính biên ải và phụ nữ Hàn Quốc vào những thập niên 50 của thế kỷ trước.
Những đứa trẻ gầy xơ gầy trơ xương, được gọi với cái tên là "lũ trẻ đường phố bẩn thỉu", bị tẩy chay bởi một xã hội Hàn Quốc luôn đề cao tính huyết thống cũng như không chấp nhận việc nhận nuôi con của người khác. Điều này dẫn đến tình trạng hàng ngàn gia đình ngoại quốc xin đăng ký làm thủ tục nhận con nuôi tại Hàn Quốc, biến đây trở thành cuộc di cư lớn nhất chưa từng thấy ở quốc gia Đông Á này.
Xu hướng này tiếp tục kéo dài nhiều năm kể cả khi chiến tranh Triều Tiên đã qua đi. Tổng cộng đã có hơn 200.000 trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi được nhận nuôi có nguồn gốc nước ngoài, 3/4 trong số đó được các nhà hảo tâm ở Mỹ cưu mang. Đỉnh điểm là vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, trung bình mỗi ngày có đến 24 đứa trẻ được đưa ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc.
Hơn 90% số trẻ bị bỏ rơi là con của những người mẹ chưa đi đăng ký kết hôn, những người mang tâm lý lo sợ sẽ bị đàm tiếu và bị tẩy chay bởi một xã hội Hàn Quốc còn mang nặng tính bảo thủ.
Vì sao người Hàn không thích nhận con nuôi?
Vấn đề nhận con nuôi ở Hàn Quốc hiện còn vấp phải nhiều định kiến. Kể từ những năm 1950, Hàn Quốc chỉ tiếp nhận 4% hồ sơ nhận con nuôi là trẻ mồ côi. Việc nhận con nuôi thường được tiến hành một cách kín đáo, đảm bảo rằng đứa trẻ được nhận nuôi phải có cùng dòng máu với bố mẹ tương lai.
Thậm chí, nhiều người phụ nữ sẵn sàng giả vờ có thai để coi như đứa bé mình nhận nuôi là con đẻ thực sự. Các gia đình luôn ưu ái con gái hơn con trai, vì muốn tránh những phiền phức lễ nghi gia phả phức tạp, điều mà cánh đàn ông khi trưởng thành thường phải gánh vác.
Cũng không quá bất ngờ khi biết rằng, tỉ lệ nạo phá thai ở Hàn Quốc cao hơn bất cứ quốc gia nào khác trong khối OECD, bao gồm đa số là các quốc gia phát triển. Cho đến những năm gần đây, người ta mới xác định được nguyên nhân một phần là do tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội Hàn Quốc: bào thai bé gái thường có xu hướng bị đào thải.
Ngày nay, tỉ lệ giới tính đã trở nên cân bằng hơn. Nhưng tập tục phá thai vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm, chủ yếu do định kiến xã hội về việc có thai ngoài giá thú vẫn còn rất nặng nề. Giáo sư Lee Bong-chu thuộc Đại học Quốc gia Seoul nghi ngại rằng, chính việc thay đổi đạo luật về nhận nuôi con đã khiến tỉ lệ nạo phá thai ngày càng có xu hướng tăng lên. Cộng với quy trình nhận nuôi con trở nên khắt khe hơn trước đã khiến người ta có cái nhìn không mấy thiện cảm về vấn đề này, cho rằng việc nhận nuôi con là một điều gì đấy "không được tốt đẹp".
Giải pháp nào cho Hàn Quốc?
Kể từ năm 2007, chính phủ Hàn Quốc đã cấp hạn ngạch chỉ cho phép một số lượng trẻ nhất định được phép nhận nuôi xuyên biên giới và số lượng quy định này thậm chí còn bị giảm đi 10% theo từng năm. Đứa trẻ cũng bị yêu cầu phải cư trú ở Hàn Quốc ít nhất trong vòng 5 tháng, được chăm sóc tại 1 gia đình địa phương do các công ty môi giới tự bố trí, trước khi được phép xuất ngoại.
Điều khoản sửa đổi luật nhận nuôi con vào năm 2012 yêu cầu tất cả những em bé thuộc diện được phép nhận nuôi phải được sự chấp thuận bằng văn bản của tòa án. Mục đích của việc này là nhằm minh bạch hóa quy trình nhận nuôi con cũng như giúp đứa trẻ có nhiều cơ hội tìm lại bố mẹ ruột của mình hơn. Năm 2013 Hàn Quốc đã tham gia ký vào Công ước Hague, quy định rõ đứa trẻ được quyền ưu tiên nhận nuôi bởi gia đình tại quốc gia nơi đứa bé đó được sinh ra.
Những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc trong việc ngăn chặn tình trạng này cuối cùng cũng đã cho thấy kết quả (xem biểu đồ ở dưới). Những đứa trẻ được nhận nuôi hiện nay có nhiều cơ hội để tìm lại bố mẹ đẻ hơn. Một số người mẹ đã quyết định giữ lại đứa con của mình khi tham gia vào các khóa tư vấn bắt buộc do điều luật mới sửa đổi quy định.
Tuy vậy, điều luật này cũng vấp phải những mặt trái không đáng có. Việc nhận nuôi trong nước đang có đà tăng trưởng thì đột ngột sụt giảm vào năm 2012, một phần bởi vì các quy định ngặt nghèo hơn trước đối với bố mẹ người Hàn có nhu cầu nhận con nuôi, kèm theo đó là sự giảm sút về số lượng những đứa trẻ thuộc diện được phép nhận nuôi. Cùng lúc đó theo số liệu báo cáo từ cảnh sát, số lượng trẻ em bị bỏ rơi có xu hướng tăng trở lại, từ 127 bé trong năm 2011, con số này đã tăng lên 225 vào năm 2013.
Một trong những lý do khiến bố mẹ của những đứa trẻ bị bỏ rơi không muốn làm giấy khai sinh cho chúng đó là vì họ sợ nhà tuyển dụng có thể tiếp cận được hồ sơ gia đình để đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên. Trường hợp xấu hơn, những người họ hàng thân thích của họ cũng có thể tiếp cận được nguồn thông tin đấy. Chẳng hạn, nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng từ mặt đứa con gái thân yêu của mình nếu phát hiện ra chúng có con ngoài giá thú.
Tác dụng phụ của quy định pháp lý này sẽ chỉ có thể được loại bỏ nhờ vào một đạo luật mới được ban hành nhằm hạn chế số lượng người đăng ký khai sinh cho trẻ, dự kiến sẽ được thông qua khi chính phủ chuẩn bị trình Nghị viện xem xét.
Kể từ tháng trước, những đứa trẻ thuộc diện được phép nhận nuôi sẽ được đăng ký vào lý lịch của người cha. Việc này nhằm giảm thiểu áp lực mà những người mẹ sinh con ngoài giá thú đang gặp phải. Nhưng dù thế nào đi nữa thì định kiến xã hội về vấn đề này vẫn còn rất phổ biến. Điều này thậm chí khiến những nhà làm luật phải thốt lên rằng, việc sửa đổi đạo luật nhận nuôi con của Hàn Quốc rất có thể sẽ trở thành sai lầm pháp lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nước này.
Theo Kienzeratul Spiderum (Thời Đại)