Số phận bi thảm của người lính Syria bị IS chặt đầu

25/02/2016 08:38:55

"Chúng ta là người Syria và chúng ta phải bảo vệ đất nước", đó là một trong những dòng chia sẻ cuối cùng của Abu al-Majd trước khi anh bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo xử tử.

Một binh sĩ Syria ngày 12/12/2014 chiến đấu tại một sân bay quân sự gần Deir Ezzor.

Abu al-Majd, 25 tuổi, vốn là cảnh sát Syria nhưng được điều động chiến đấu như một người lính. Từ tiền tuyến, anh liên tục gửi tin nhắn qua mạng xã hội hoặc gọi điện về nhà để cung cấp tin tức nơi chiến trường cũng như bày tỏ tâm tư của mình.

Theo New York Times, những chia sẻ của al-Majd đã giúp mọi người có cái nhìn cận cảnh vào cuộc chiến tranh tàn khốc ở Syria mà những người ngoài cuộc chỉ có thể theo dõi từ xa.

Ngày 19/5 năm ngoái, al-Majd gửi hai bức hình về. Một tấm cho thấy anh mặc quân phục, hút tẩu thuốc lá và mỉm cười như thể chào đón ai đó, và hai tách cà phê Thổ Nhĩ Kỳ còn nổi bọt đặt trên bàn.

Lúc ấy, anh chuẩn bị lên xe buýt đến Palmyra, một thành phố sa mạc của Syria đang dần rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhiều binh sĩ chính phủ đã bỏ chạy nhưng al-Majd và hàng chục người khác nhận lệnh phải chống trả đến cùng dù anh biết đây là cuộc chiến cầm chắc thất bại. Cùng với những bức ảnh gửi về nhà, anh nhắn nhủ "đây có thể là những bức hình cuối cùng".

Đó chính là những bức ảnh cuối cùng mà al-Majd đăng lên mạng xã hội, trước khi mọi người mất hết thông tin về anh.

Al-Majd được triển khai tới thành phố Palymyra để bảo vệ các phóng viên quốc tế ở đây vào tháng 4/2014, khi phiến quân IS chỉ cách phía đông Palmyra vài km, trong khi xe tăng quân đội Syria án ngữ ngay tại khu thành cổ bên trong thành phố.

Các cuộc trao đổi của al-Majd với những người bên ngoài, bao gồm cả phóng viên New York Times, cho thấy anh mang một tâm trạng chênh vênh, bất định, phân vân giữa lòng tự hào khi thực hiện bổn phận đối với quốc gia và nỗi sợ, nỗi chán chường và cả giận dữ vì những bất công và sự kém cỏi của chính phủ khi theo đuổi cuộc chiến.

Người lính trung thành thầm lặng

Al-Majd sinh trưởng ở Yarmouk, một khu tị nạn dành cho người Palestine ở phía nam thủ đô Damascus của Syria. Không lâu sau khi các cuộc nổi dậy chống chính quyền bùng phát ở Syria vào năm 2011, gia đình anh mất nhà cửa và liên tục phải chuyển chỗ ở.

Là con trai một sĩ quan quân đội cấp thấp đã về hưu, al-Majd luôn trung thành với đất nước nhưng anh không phải là kiểu người thích khoe khoang về điều đó trên các trang mạng xã hội. Anh chủ yếu chỉ chia sẻ hình ảnh bạn bè và những đứa cháu của mình.

Al-Majd gia nhập một đơn vị cảnh sát chính quy trước khi cuộc nổi dậy xảy ra khoảng một năm. Nhiệm vụ của anh là truy quét những kẻ buôn lậu ma túy và gái mại dâm. Tuy nhiên, khi tình hình chiến sự trở nên căng thẳng, gây áp lực lớn cho quân đội, nhiều đơn vị cảnh sát cũng bị huy động tham chiến.

Al-Majd được cử đến các chốt kiểm soát ở tiền tuyến và thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động nổi dậy ở khu vực phía đông thành phố Homs, gần Palmyra. Trong hoàn cảnh đồ tiếp tế trở nên khan hiếm và đồng tiền của Syria rớt giá mạnh, al-Majd từng đùa rằng khoản tiền lương 100 USD/tháng chỉ vừa đủ để anh mua thuốc lá. Al-Majd thầm yêu một người con gái nhưng lại sợ không đủ tiền cưới cô ấy. Cuộc sống cô lập khiến anh luôn chìm trong phiền muộn.

"Hãy kể tôi nghe những tin tức mới nhất. Ở đây, chúng tôi không có tivi, không có điện. Tôi đang sống tha hương. Tôi đã chết, đã chết rồi", al-Majd viết trên mạng xã hội.

Những lần nghỉ phép, al-Majd hay trở về quê nhà ở Damascus. Anh ghen tỵ với các binh sĩ ở thủ đô vì họ có thể thoải mái đi ăn uống, rong chơi với những cô gái cũng như được dùng điện khá thường xuyên.

Anh lúc nào cũng bị ám ảnh bởi một ký ức buồn từ năm 2012. Lúc ấy, al-Majd đang nói chuyện điện thoại với một người bạn thì quân nổi dậy tấn công vào vị trí chiến đấu của bạn anh.

"Bạn có hiểu được cảm giác khi biết một ai đó rất thân thiết với mình sẽ bị giết trong vài phút nữa nhưng lại chẳng thể làm gì không", al-Majd nói.

Anh tỏ ra không hài lòng về việc các tay súng Hezbollah của người Lebanon đang hỗ trợ chính phủ chống phe nổi dậy được hưởng lương cao hơn binh sĩ Syria. Những tay súng này còn được bố trí gác tại các chốt kiểm soát đông người qua lại ở phía tây Syria và mặc sức đút túi những khoản hối lộ lớn. Trong khi đó, ở khu vực tiền tuyến như Palmyra, "chúng tôi ăn không khí để sống", anh cho biết.

Nghĩa vụ bảo vệ đất nước

Vị trí thành phố Palmyra trên bản đồ Syria. Ảnh: NYT

Mang trong lòng nhiều nỗi thất vọng nhưng al-Majd vẫn cảm thấy "người dân không nên quay lưng chống chính phủ dù họ làm bất cứ điều gì".

"Không hề có cái gì gọi là ủng hộ hay chống Bashar cả", anh giải thích, nhắc đến tên Tổng thống Syria Bashar al-Assad. "Chỉ có lời hiệu triệu của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc, lòng trung thành, thứ gì đó nhắc nhở ta rằng 'chúng ta là người Syria và chúng ta phải bảo vệ đất nước'. Bạn chỉ có thể hoặc là ủng hộ nhà nước hoặc là đi theo các nhóm khủng bố mà thôi", al-Majd giãi bày.

Đến tháng ba năm ngoái, nỗi thất vọng của al-Majd dường như vượt quá sức chịu đựng. Anh đánh nhau với một số nhân viên cứu trợ ở Damascus vì những người này, với sự tiếp tay của quan chức địa phương, đã găm hàng viện trợ hoặc phân bổ sai địa chỉ.

Ngày 14/5/2015, phiến quân IS tràn vào Sukhna, một tiền đồn nằm cách Palmyra không xa. Binh sĩ Syria ở đó cạn sạch đạn dược, phải để lại những lời vĩnh biệt rợn tóc gáy.

Al-Majd đang ở Damascus nghỉ phép khi IS tiến sát rìa Palmyra. Mẹ al-Majd giấu thẻ căn cước của anh để cố gắng giữ con trai ở lại.

"Tôi không phải một kẻ hèn nhát nhưng tôi cũng là con người và đôi khi cảm thấy sợ hãi", anh nói. Tuy nhiên, ngày hôm sau, al-Majd quyết định trở lại đơn vị. Al-Majd và đồng đội lúc ấy mới biết tin họ sẽ được triển khai đến Palmyra. Các sĩ quan chỉ huy tuyên bố sẽ trình báo lên cấp trên bất kỳ ai không tham gia đợt điều động này.

"Tôi đang tham gia một nhiệm vụ tự sát", al-Majd chia sẻ. "Tôi đang từng bước tiến đến cái chết nhưng không thể làm bất cứ điều gì. Đừng hỏi tôi khi nào lên đường. Tôi ghét câu hỏi đó. Tôi ước gì ngày mai mình không thức giấc".

Đó là lúc anh đăng những bức hình cuối cùng lên mạng xã hội.

Chuyến đi định mệnh

IS công khai hành quyết dân thường trên đường phố tại những nơi chúng chiếm đóng. Ảnh minh họa: farhangnews

Khi gia đình nhận thông báo al-Majd mất tích, họ liền thôi hỏi các quan chức an ninh tin tức về anh. Họ xem như al-Majd đã chết và tổ chức tang lễ cho anh. Vài tháng sau, phóng viên New York Times tiếp cận được hai cảnh sát đã giữ liên lạc với al-Majd cho tới giây phút cuối và ba người dân chứng kiến cái chết của anh.

Theo lời kể của họ, vào ngày 19/5, khoảng 65 cảnh sát và binh sĩ Syria cùng nhau lên xe buýt để đến Palmyra. Họ mang áo chống đạn nhưng không có vũ khí. Al-Majd sợ phải đến đó nhưng cũng thấy bất an nếu không đi vì anh không biết liệu mình sẽ phải chịu hình phạt như thế nào nếu bất tuân mệnh lệnh.

"Anh ấy gọi điện không ngừng lúc ngồi trên xe buýt và liên tục nói 'chúng ta sắp chết rồi''', một cảnh sát nhớ lại. "Tôi nói với anh ấy hãy kiếm cớ nào đó, chẳng hạn như muốn mua thuốc lá, để tài xế dừng xe rồi chạy thoát thân nhưng anh ấy không chịu nghe".

Xe buýt thả họ xuống một sân bay quân sự ở ngoại ô Palmyra. Nơi này ngay tối hôm đó bị IS tấn công. Nhiều người chết nhưng cũng không ít người chạy thoát. Al-Majd ẩn náu trong một gia đình người quen.

"Tôi ước gì mình không phải lính mà chỉ là một người dân bình thường, sống cuộc đời yên ả, kết hôn với người tôi yêu và ở một nơi nào đó không có xung đột hay sự sợ hãi", al-Majd viết vào ngày 14/5/2015.

Al-Majd gọi về Damascus mỗi ngày và nài nỉ bạn bè gửi một chiếc ô tô đến cho anh. Cha nói anh không được đầu hàng còn chú thì khuyên anh hãy đọc kinh Koran.

IS trong khi đó đe dọa sẽ giết bất kỳ ai chứa chấp binh sĩ chính phủ. Sau 8 ngày, al-Majd lẻn xuống phố, đóng giả làm dân thường trong bộ trang phục áo choàng, quần thụng mà anh mượn được để tránh gây nguy hiểm cho chủ nhà. Anh không bị chú ý cho đến khi tiếng gọi dự lễ cầu nguyện từ nhà thờ Hồi giáo vang lên.

IS ép đàn ông phải dự buổi lễ nên anh bất đắc dĩ phải bước vào nhà thờ. Một phiến quân đến gần và hỏi có phải anh đứng về phe cảnh sát không.

"Vâng, tôi ở đây để cầu nguyện chứ không làm gì cả", một người dân Palmyra có mặt ở đó thuật lại chính xác lời al-Majd nói.

"Giờ mày biết ăn năn rồi sao", tay phiến quân đáp. Cùng lúc, bên ngoài đường phố, chúng thông báo bắt giữ anh.

"Tôi đếm được 10 tay súng IS với vẻ mặt hùng hổ. Một tên còn cầm kiếm. Bọn chúng chặt đầu anh ấy ngay trước mắt tôi", một phụ nữ địa phương cho hay.

Thi thể al-Majd bị bỏ trên phố vài ngày. Tháng trước, người nhà anh cho biết các quan chức an ninh báo tin rằng họ có trong tay đoạn băng ghi hình cảnh chặt đầu nhưng từ chối chia sẻ nó.

"Tôi cảm thấy bất bình với chính phủ. Làm sao 200 binh sĩ có thể chọi lại 2.000 phiến quân IS. Tôi không phẫn uất vì cái chết của anh ấy mà bởi cái cách anh ấy bị giết", một người họ hàng của al-Majd bày tỏ.
 
>> IS tung video chặt đầu con tin đêm Giáng Sinh
>> Mang xác nạn nhân bị IS chặt đầu biểu tình trước dinh tổng thống Afghanistan

Theo Hồng Vân (VnExpress.net)

Nổi bật