Trung Quốc được cho là đang cản ngăn các chuyên gia an ninh mạng của nước này tham gia các cuộc thi tấn công mạng quốc tế do các lo ngại về an ninh quốc gia, theo báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 21-3.
Thông tin này được Tập đoàn công nghệ Chaitin ở Bắc Kinh tiết lộ. Chaitin cho biết ngay từ cuối năm ngoái, tập đoàn này đã được chính phủ chỉ đạo không tham gia các cuộc thi như vậy.
Một đại diện của Chaitin cho biết công tin an ninh mạng này sẽ "chuyển trọng tâm sang hoàn thiện các sản phẩm và xây dựng một không gian mạng an toàn hơn ở Trung Quốc".
Các công ty an ninh mạng như Chaitin trước đây tham gia vào các cuộc thi với vai trò là hacker (tin tặc) mũ trắng. Những hacker hành nghề vì đạo đức này sẽ tìm ra điểm yếu của phần mềm nhằm mục đích cải thiện an ninh mạng.
Bằng việc tham gia vào các cuộc thi quốc tế, các hacker mũ trắng sẽ săn tìm điểm yếu trong phần mềm của Apple, Microsoft… để giúp các tập đoàn này phát hiện và sửa chữa lỗ hỗng an ninh.
Động thái mới nhất của Trung Quốc về việc ngăn các hacker tham gia những cuộc thi tìm lỗ hỗng an ninh mạng diễn ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ nhiều năm qua liên tục tố các tin tặc Trung Quốc tấn công mạng nhằm vào Washington.
Hôm 16-3, xuất hiện thông tin cho biết tin tặc Trung Quốc gần đây cũng tấn công liên tục nhằm vào các văn phòng chính phủ, công ty quốc phòng… của Mỹ hòng lấy các thông tin liên quan tới Biển Đông.
"Một số hacker Trung Quốc thuộc hàng giỏi nhất thế giới, do đó việc họ không tham gia khiến cuộc tranh tài ít thú vị hơn. Đồng thời, việc cất giấu các tài năng trong nước sẽ khiến Trung Quốc mạnh hơn về tấn công mạng" - ông James Andrew Lewis, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận định.
Năm ngoái, các đội thi đến từ các công ty công nghệ Qihoo 360, Tencent và Chaitin của Trung Quốc đã giành vị trí cao tại Pwn2Own. Đây là một cuộc thi tấn công mạng được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị an ninh CanSecWest ở thành phố Vancouver, Canada, được tổ chức từ năm 2007.
Nhóm nghiên cứu của Chaitin hiện có kế hoạch báo cáo trực tiếp các phát hiện mới của họ lên Cơ quan lỗ hỗng an toàn thông tin quốc gia (CNNVD) của chính phủ Trung Quốc để tranh giải và được công nhận cấp quốc gia.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc - cơ quan giám sát an ninh mạng nước này - hiện chưa bình luận gì về thông tin trên. Trong khi đó, Tencent và Qihoo 360 cũng chưa phản hồi yêu cầu phỏng vấn.
Tháng 11-2016, Trung Quốc đã thông qua Luật an ninh mạng đầu tiên của nước này, với mục đích bảo vệ chủ quyền không gian mạng và hạ tầng thông tin chủ chốt. Luật này có hiệu lực từ tháng 6 năm ngoái.
Theo Bình An (Tuổi Trẻ)