Con số do Cơ quan phòng vệ dân sự Italy công bố vào lúc 18h hàng ngày theo giờ địa phương cho thấy, có đến 168 bệnh nhân thiệt mạng trong ngày 10/3 trên toàn lãnh thổ Italy. Đây là con số cao kỷ lục, bằng với 36% tổng số nạn nhân thiệt mạng trước đó.
Như vậy, so với con số ca tử vong mới được công bố gần nhất của Trung Quốc - với 17 ca được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 9/3, số ca tử vong mới ở Italy đã cao gấp 10 lần.
Số ca nhiễm cũng giữ tốc độ tăng cao, thêm hơn 1.000 ca mới. Tổng cộng, đến hết ngày 10/3, Italy đã có 631 người thiệt mạng và 10.149 ca nhiễm bệnh. Số ca nhiễm trên thực tế có thể còn cao hơn vì giới chức y tế Italy cho biết vùng Lombardy, ổ dịch lớn nhất nước này, vẫn chưa cung cấp số liệu đầy đủ.
Theo người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong số những người nhiễm bệnh ban đầu, 1.004 người đã bình phục hoàn toàn, tăng gần 300 trường hợp so với con số 724 ca của ngày trước đó.
Trước đó, ngày 9/3, chính phủ Italy đã áp lệnh cấm di chuyển toàn quốc, yêu cầu người dân ở nhà đến ngày 3/4. Biện pháp này được đưa ra sau khi các con số tử vong và ca nhiễm tại quốc gia châu Âu này vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Cụ thể, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo: "Tôi sẽ ký ban hành đạo luật có thể tóm gọn là: Ở trong nhà. Việc di chuyển trên toàn quốc sẽ bị ngừng, trừ khi có lý do khẩn cấp hoặc vấn đề sức khỏe".
Trong 2 ngày qua, Tây Ban Nha chứng kiến số ca nhiễm bệnh gia tăng chóng mặt và đã vượt qua Đức để trở thành ổ dịch lớn thứ 3 tại châu Âu với 1622 ca nhiễm và 35 trường hợp thiệt mạng. Trong khi đó, Đức ghi nhận 1281 ca nhiễm COVID-19, tính đến hết ngày 10/3.
Tại Hà Lan, nước láng giềng nằm ngay cạnh bang Bắc Rhine-Westphalia là tâm dịch tại Đức, số ca nhiễm cũng đã tăng lên 382 ca. Đã có 4 bệnh nhân tử vong tại Hà Lan, đưa nước này thành ổ dịch lớn thứ 5 tại châu Âu.
Duy Anh (SHTT)