Số ca nhiễm mới tại Mỹ vẫn tăng chóng mặt, Italy đau xót chứng kiến gần 800 người nữa ra đi sau một đêm

30/03/2020 07:59:33

Đến 7h45 sáng nay (30/3) theo giờ Việt Nam, Mỹ tiếp tục ghi nhận 18.234 ca nhiễm mới, 255 người tử vong trong 1 ngày. Italy có thêm 756 người tử vong vì COVID-19. Thế giới vượt 721.000 người mắc và gần 44.000 người thiệt mạng.

Số ca nhiễm COVID-10 ở Mỹ tiếp tục gia tăng, New York chỉ đủ thiết bị y tế trong 1 tuần

Tính tới 7h45 sáng nay theo giờ Việt Nam, Mỹ có tổng số ca nhiễm là 141.812, trong đó có 2.475 ca tử vong do COVID-19.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cảnh báo COVID-19 có thể khiến 200.000 người tử vong ở Mỹ.

Thành viên Nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng này nhấn mạnh, nước Mỹ có thể có từ 100.000 - 200.000 người tử vong và sẽ có hàng triệu ca mắc bệnh COVID-19. Ông cũng tiếp tục kêu gọi duy trì “giãn cách xã hội” ở Mỹ trong thời gian dài nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Số ca nhiễm mới tại Mỹ vẫn tăng chóng mặt, Italy đau xót chứng kiến gần 800 người nữa ra đi sau một đêm
Các thành viên Lực lượng phòng vệ quốc gia của quân đội Mỹ được điều động tới trung tâm Jacob K. Javits ở New York để dựng các bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, ngày 27/3/2020. (Ảnh: TTXVN)

New York hiện là tâm dịch lớn nhất nước Mỹ với số người đang được điều trị tại bệnh viện là khoảng 8.500 người. Trong đó có 2.037 người đang được chăm sóc tích cực và hỗ trợ bằng máy thở.

Trước số ca nhiễm vượt quá 33.700, chiếm quá nửa tổng số ca của tiểu bang New York, Thị trưởng Bill de Blasio cũng cho biết các bệnh viện tại New York đã quá tải, hiện thành phố New York chỉ còn đủ trang thiết bị y tế để cứu chữa bệnh nhân trong 1 tuần.

Ông cũng bày tỏ lo ngại sẽ thiếu nhân viên y tế trong thời gian tới và đề nghị Tổng thống Donald Trump gửi thêm y, bác sĩ quân y và dân sự từ các bang khác tới hỗ trợ New York.

Italy tiếp tục một ngày tang thương khi có tới 756 người chết vì COVID-19. Tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này đang là 97.689 (tăng 5.217), đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tính đến nay, Italy có 10.799 người tử vong vì đại dịch, cao gấp 3 lần Trung Quốc và 4,5 lần so với Mỹ.

Số ca nhiễm mới tại Mỹ vẫn tăng chóng mặt, Italy đau xót chứng kiến gần 800 người nữa ra đi sau một đêm - 1
Lucia Perolari, 24 tuổi, y tá tại Bệnh viện Humanitas Gavazzeni ở Bergamo, Italy. Tấm ảnh chân dung này được chụp trong những giờ nghỉ hiếm hoi của các nhân viên y tế tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt. (Ảnh: AP)

Có lẽ chưa ai quên được ngày 27/3 tồi tệ: Italy chính thức ghi nhận ngày có nhiều ca tử vong nhất kể từ khi dịch bệnh bùng nổ ở nước này 5 tuần trước, với 969 người tử vong. Cả hệ thống y tế quốc gia này đang gồng mình chiến đấu với dịch. Các nhân viên y tế mệt mỏi, kiệt quệ. Gần 6.300 nhân viên y tế đã nhiễm bệnh và hơn 50 người trong số họ đã ngã xuống. 

Đức có nguy cơ như Italy, Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong trong 1 ngày cao hơn nước Ý

Ông Lothar Wieler, Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho rằng rất có khả năng các bệnh viện ở Đức sẽ quá tải trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Ông cũng cho rằng nguy cơ Đức sẽ rơi vào hoàn cảnh như ở Italy.

Tính đến sáng nay theo giờ Đức, trên cả nước đã ghi nhận 58.247 ca nhiễm và 455 ca tử vong.

Số ca nhiễm mới tại Mỹ vẫn tăng chóng mặt, Italy đau xót chứng kiến gần 800 người nữa ra đi sau một đêm - 2
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt một lái xe tại khu vực cửa khẩu Jedrzychowice giữa Đức và Ba Lan, ngày 9/3/2020. Ảnh: TTXVN

Tây Ban Nha đã liên tục đạt kỷ lục hàng ngày về tử vong do virus với 838 và 821 trường hợp tử vong trong 2 ngày liên tiếp. 

Tính đến 7h45 sáng nay, quốc gia này có tổng số người nhiễm virus là 80.110, trong đó 6.803 trường hợp tử vong. Hiện Tây Ban Nha đứng thứ 4 thế giới về số người nhiễm và thứ 2 thế giới về số người tử vong, chỉ sau Italy.

Số ca nhiễm mới tại Mỹ vẫn tăng chóng mặt, Italy đau xót chứng kiến gần 800 người nữa ra đi sau một đêm - 3
Bệnh viện tạm thời được thiết lập tại một gian hàng trong trung tâm hội nghị và triển lãm Ifema ở Madrid, Tây Ban Nha vào tuần trước. (Ảnh: Getty)

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez gọi sự bùng phát dịch bệnh này là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Ông cũng cho biết hôm 27/3, tất cả các công nhân được sắp xếp để nghỉ ở nhà trong 2 tuần trong khi vẫn nhận được mức lương thông thường của họ và sẽ làm bù sau đó.

Bộ Y tế Tây Ban Nha đã mua vật tư chăm sóc sức khỏe từ Trung Quốc, bao gồm 659 triệu khẩu trang. 

Thế giới có hơn 721.000 người nhiễm, chính phủ Anh sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc

Tính đến 7h45 sáng nay, thế giới ghi nhận 721.412 ca nhiễm, 33.956 ca tử vong. Dịch bệnh có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cũng trong sáng nay, nước Anh ghi nhận 19.522 trường hợp nhiễm virus (tăng 2.433) và 1.228 người tử vong (tăng 209). 

Chính phủ Anh ngày 29/3 cho hay lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch bệnh COVID-19 có thể diễn ra trong thời gian tiếp theo. Chánh Văn phòng Nội các Anh Michael Gove cho biết không thể dự báo chính xác thời gian phong toả kéo dài bao lâu nhưng mọi người dân phải chuẩn bị sẵn sàng khi các biện pháp phong tỏa vẫn phải áp dụng.

Số ca nhiễm mới tại Mỹ vẫn tăng chóng mặt, Italy đau xót chứng kiến gần 800 người nữa ra đi sau một đêm - 4
Một tuyến phố vắng vẻ khi chính phủ áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc do dịch COVID-19 tại York, nước Anh ngày 25/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Anh đã bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ tối 23/3 (theo giờ địa phương). Lệnh phong tỏa có hiệu lực 3 tuần và sẽ được Chính phủ Anh xem xét gia hạn sau đó nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục nghiêm trọng.

Giáo sư Neil Ferguson - một trong những cố vấn về dịch tế học hàng đầu của Anh, cho rằng lệnh phong tỏa toàn quốc của Anh có thể kéo dài trong nhiều tháng, đến cuối tháng 5, thậm chí là đầu tháng 6.

Cơ quan Y tế công cộng Thụy Sĩ cũng thông báo số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên đến 257 người, tăng 22 người so với một ngày trước đó. Theo cơ quan trên, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Thụy Sĩ hiện là 14.336 người.

Số ca nhiễm tại châu Á tiếp tục gia tăng, Philippines đã có 12 bác sĩ đã tử vong trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Chủ tịch Ủy ban lập pháp của Hiệp hội Y khoa Philippines, ông Oscar Tinio xác nhận ngày 29/3, Philippines đã có 12 bác sĩ đã tử vong trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Hiện có hơn 5% nhân viên y tế của Philippines đang được cách ly theo dõi.

Hiện tình trạng thiếu bác sỹ tại Philippines rất nghiêm trọng với tỷ lệ lên đến 1 bác sỹ phải điều trị cho 40.000 bệnh nhân. Ông Oscar Tinio đã kêu gọi Bộ Y tế Philippines cần mở rộng việc cung cấp các vật tư y tế cho các bệnh viện cả công và tư, bao gồm khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân.

Đến sáng nay, số ca mắc COVID-19 tại Philippines tăng mạnh với thêm 343 ca mới, mức tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số lên 1.418 ca và số tử vong tăng thêm 3 ca lên 71 ca.

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cho biết có thêm 150 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.470 người.  Malaysia ghi nhận thêm 7 ca tử vong do COVID-19 nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 34 ca.

Trong khi đó, Indonesia ghi nhận thêm 130 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 1.285 người. Tại Indonesia, thêm 12 người tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại Indonesia lên thành 144. Theo quan chức này, Indonesia đã xét nghiệm hơn 6.500 trường hợp trên khắp cả nước.

Cũng trong sáng nay, Singapore thông báo thêm 1 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại "Đảo quốc Sư tử" lên thành 3 trường hợp. Số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Singapore hiện là 844 người.

Tại Thái Lan, số ca nhiễm hiện lên tới 1.388 trường hợp, trong đó có 7 ca tử vong.

Theo Minh Trang (Giadinh.net.vn)