Nhà chức trách Thụy Điển hôm 24/04 thông báo ghi nhận thêm 812 ca nhiễm Covid-19 mới, con số cao kỷ lục từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Sau khi số liệu được công bố, Aftonbladet, một trong những tờ báo lớn nhất tại Thụy Điển đã bình luận "đường cong tiến triển của dịch bệnh virus corona đang đi sai hướng".
Theo số liệu chính thức, Thụy Điển cũng ghi nhận thêm 131 trường hợp tử vong mới, tăng đáng kể so với 84 trước đó một ngày. Như vậy, số ca nhiễm mới tại nước này tăng 4,8% so với ngày trước đó, trong khi số ca tử vong tăng 6,5%.
Tính tới ngày 24/04, Thụy Điển đã ghi nhận 17.567 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 2.152 người đã tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Thụy Điển đã tuyên bố sẽ đóng cửa các quán bar, nhà hàng không tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Chính phủ Thụy Điểm hôm 24/04 đề nghị các địa phương báo cáo về việc nhà hàng, quá cà phê tuân thủ hướng dẫn của cơ quan quản lý y tế công như thế nào. "Các đơn vị cần nghiêm túc chấp hành hướng dẫn, nếu không sẽ bị đóng cửa," Bộ trưởng Nội vụ Mikael Damberg nói.
"Chúng tôi đã đọc những báo cáo về việc người dân ăn uống, tụ tập rất đông tại các nhà hàng. Tôi phải nói rất rõ điều này: Tôi không muốn thấy các nhà hàng ngoài trời ở Stockholm chật kín người," ông Damberg cho biết thêm.
Tuy vậy, chuyên gia bệnh tật hàng Thụy điển này là Anders Tegnell cho rằng ngay cả khi những biện pháp phong tỏa được áp dụng, số người chết vẫn sẽ tăng cao do hơn nửa trường hợp tử vong được ghi nhận ở các nhà dưỡng lão.
Giải thích về việc số ca nhiễm tăng cao, ông Tegnell cho rằng có ba nguyên nhân: các nhân viên y tế được xét nghiệm nhiều hơn, những người sống tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe được xét nghiệm nhiều hơn, và số trường hợp nhiễm Covid-19 nhập viện trên toàn quốc cũng đã tăng đáng kể.
Vị bác sĩ này cũng cho rằng ông "không hiểu được" lệnh phong tỏa toàn diện sẽ ngăn cản dịch bệnh lây lan tại các viện dưỡng lão như thế nào. Thụy ĐIển tuy chưa ban hành các biện pháp phong tỏa như nhiều nước châu Âu khác, tuy vậy đã cấm người dân tới viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc người khuyết tật.
Khi được hỏi các biện pháp phong tỏa liệu có làm giảm số trường hợp tử vong hay không, Tegnell cho rằng "đó là câu hỏi rất khó trả lời vào lúc này".
"Ít nhất 50% số trường hợp tử vong của chúng tôi được ghi nhận tại viện dưỡng lão, tôi không hiểu nếu phong tỏa thì sẽ ngăn virus xâm nhập những nơi đó như thế nào. Chúng tôi đã cấm người dân tới thăm viện dưỡng lão," ông này cho hay.
"Do đó chúng tôi không rõ nếu phong tỏa thì có thể ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát như hiện nay hay không. Đây là câu hỏi khó, tôi không cho rằng chúng tôi có câu trả lời. Tôi cũng không rõ khi nào sẽ có câu trả lời rõ ràng," Tegnell nói.
Thậm chí chuyên gia y tế này còn cho rằng Thụy Điển có thể sẽ làm tốt hơn trong "làn sóng thứ hai" của dịch bệnh so với nhiều nước khác, do các biện pháp mềm mỏng có thể được áp dụng lâu dài hơn.
Thụy Điển đang vấp phải chỉ trích vì không áp dụng những biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt mà các nước khác ở châu Âu đang tiến hành. Chính phủ nước này khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp cách ly xã hội và giữ vệ sinh cá nhân, tuy vậy không bắt buộc.
Số ca nhiễm tại Thụy Điển không cao như ở một số nước được coi là tâm dịch tại châu Âu, nhưng hơn nhiều so với Đan Mạch và Na Uy.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)