Smartphone, taxi, hàng hiệu dần phổ biến ở Triều Tiên

18/04/2017 14:00:00

Dù không công nhận, nhưng chính quyền Triều Tiên cũng đang cởi mở hơn đối với các hoạt động kinh tế mang tính chất thị trường.

 

Dù không công nhận, nhưng chính quyền Triều Tiên cũng đang cởi mở hơn đối với các hoạt động kinh tế mang tính chất thị trường.

Trên các con phố ở Bình Nhưỡng, một số người bán rau nhỏ có thể bán sản phẩm của mình một cách tự phát. Trong các ngôi chợ, nhiều quầy hàng giới thiệu sản phẩm gia dụng nhập khẩu, kể cả Coca-Cola. Tiền mặt được dùng phổ biến trên thị trường chợ đen.

Về mặt chính thức, Triều Tiên phủ nhận các cải cách kinh tế. Trên đường phố, người ta vẫn không thấy các bảng quảng cáo. Thay vào đó là hình ảnh của những người lính anh hùng, người lao động dũng cảm và các khẩu hiệu tuyên truyền. Tuy nhiên, ngoài nghĩa vụ sản xuất được giao, các doanh nghiệp nhà nước của Triều Tiên giờ được phép tìm kiếm các nhà cung cấp và khách hàng riêng cho mình. Kwon Yong-Chol -  Kỹ sư trưởng nhà máy thực phẩm Song Do Won tại Wonsan cho biết, ngoài việc sản xuất theo hướng dẫn chính phủ, nhà máy có mạng lưới bạn hàng thương mại để ký hợp đồng.

Andrei Lankov - chuyên gia của Đại học Kookmin (Seoul, Hàn Quốc) cho rằng, dù không thừa nhận nhưng Triều Tiên đang học tập kinh nghiệm từ Trung Quốc. “Họ không bao giờ thừa nhận họ học hỏi từ bất cứ ai. Nhưng ông Kim Jong-Un hiểu rất rõ rằng hệ thống kinh tế thị trường đã tạo ra sự tăng trưởng tuyệt vời ở các nước Đông Á nửa thập kỷ qua”, vị này nhận xét.

Tuy nhiên, việc "làm ngơ" của chính quyền Triều Tiên đối với các yếu tố kinh tế thị trường xuất hiện tại đây cũng vẫn rất "nguy hiểm" với ai tham gia. “Chừng nào hoạt động này vẫn còn là bất hợp pháp về mặt kỹ thuật thì trong nhiều trường hợp, người ta có thể nhận án tử hình. Chính quyền luôn có thể đảo ngược ý định nếu thấy cần thiết”, Marcus Noland - Giám đốc nghiên cứu  Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Washington, Mỹ) nhận xét.

Theo Viễn Thông (VnExpress.net)

Nổi bật