Thí nghiệm gây tranh cãi bao gồm việc biến đổi và vô hiệu hóa một số gene trong phôi khỉ, ngăn chặn phôi này phát triển thành các cơ quan của một con khỉ. Sau đó, các tế bào gốc của con người – loạt tế bào có thể phát triển thành bất kỳ cơ quan gì – được tiêm vào phôi khỉ này, tạo nên một sinh vật lai giữa người và khỉ đầu tiên trên thế giới.
Đó là công trình do giáo sư người Tây Ban Nha Juan Carloss Izpisúa Belmonte, hiện đang công tác tại Viện Salk ở Mỹ dẫn đầu. Để tránh các vấn đề pháp lý, họ đã chọn Trung Quốc làm nơi tiến hành thí nghiệm. Theo một nguồn tin, rất có thể sinh vật lai người – khỉ đầu tiên đã thực sự ra đời.
Sinh vật kỳ lạ này được tờ The Guardian gọi là "chimera", tức một quái vật thần thoại có các phần thân thể thuộc về những loài vật khác nhau. Các sinh vật lai người – khỉ này được ra đời với mục đích lấy nội tạng nhằm cấy ghép cho con người. Các tế bào người cũng được lập trình phù hợp trước khi tiêm nhằm bảo đảm chúng chỉ hóa thân thành một số cơ quan phù hợp.
Thế nhưng, thông tin lập tức nhận được phản ứng gay gắt từ giới khoa học. Nhà khoa học Angel Raya từ Trung tâm Y học tái sinh Barcelona (Tây Ban Nha) phát biểu với tờ El Pais – tờ báo Tây Ban Nha đầu tiên công bố thông tin: "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các tế bào gốc "trốn thoát" và trở thành các tế bào thần kinh của con người trong bộ não động vật? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng biến thành tế bào tinh trùng?".
Ông lo sợ rằng khi bộ não động vật sở hữu các tế bào người, chúng ta sẽ tạo ra một sinh vật có ý thức như con người.
Tuy nhiên, nhà khoa học Alejandro De Los Angeles từ Khoa Tâm thần học tại Đại học Yale (Mỹ) thì cho rằng nếu các thí nghiệm dừng lại đúng mức - trước khi phôi thực sự kịp hình thành một bào thai với đầy đủ cơ quan, đó là một điều đáng khích lệ. Các thí nghiệm tương tự có thể giúp con người cải thiện việc tìm ra một tỉ lệ tốt nhất cho tế bào người trong các sinh vật như vậy. Các thí nghiệm tương tự đã được thực hiện trên heo và cừu.
Theo A. Thư (Nld.com.vn)