Việc các quan chức Nga cho rằng Việt Nam quan tâm tới khả năng mua 1 trong 2 dòng máy bay chiến đấu đa năng MiG-35 hoặc Su-30SM, có khiến cơ hội của siêu tiêm kích Su-35 nhỏ đi?
Siêu tiêm kích Su-35 - vất vả tìm kiếm khách hàng
Trung tuần tháng 8 vừa qua, trang tin Lenta.ru cho biết Tại Triển lãm Hàng không MAKS-2015, BQP Nga, dự kiến sẽ ký hợp đồng trị giá khoảng 100 tỷ Rub (tương đương 1,5 tỷ USD) để mua loạt tiêm kích Su-35 thứ 2 gồm 48 chiếc để trang bị cho Không quân nước này.
Như vậy, đơn giá Su-35 theo hợp đồng trên ước tính vào khoảng 31 triệu USD (tỷ giá 68 Rub ăn 1 USD), giảm mạnh so với đơn giá hơn 50 triệu USD/chiếc của hợp đồng đầu tiên (tổng trị giá 66 tỷ USD, tương đương khoảng 2 tỷ USD, tỷ giá năm 2012: 31 Rub ăn 1 USD).
Tuy nhiên, đến nay, sau khi Triển lãm kết thúc, điều bất ngờ đã xảy ra là chỉ có hợp đồng mua Su-35 của Indonesia là có triển vọng và sẽ sớm được ký kết, riêng hợp đồng của BQP Nga lại chưa có thêm thông tin cụ thể nào.
Nguyên nhân có thể là do Chính phủ Nga cắt giảm, hoãn và giãn tiến độ các chương trình mua sắm vũ khí mới do kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trước đó, ngân sách mua sắm giai đoạn 2015-2025 dự kiến sẽ đạt khoảng 55.000 tỷ Rub, nhưng sau đó đã giảm, còn 30.000 tỷ rúp.
Đồng thời, nguồn tài chính dành cho chương trình mua sắm quốc phòng mới sẽ không vượt quá 70% chương trình giai đoạn 2011 - 2020 với khoảng 14.000 - 15.000 tỷ rúp. Do vậy, việc hợp đồng mua Su-35 tiếp theo của BQP Nga bị tạm hoãn là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, hợp đồng Su-35 với Trung Quốc cũng được kỳ vọng ký kết chính thức trong những ngày diễn ra Triển lãm này, nhưng có vẻ hai bên vẫn chưa thống nhất xong các điều khoản vốn có nhiều bất đồng cả về số lượng, đơn giá lẫn vũ khí, trang bị đi kèm.
Trước đó, Báo cáo thường niên năm 2014 của Công ty Polyot cho thấy, đến năm 2020 họ sẽ sản xuất 84 hệ thống liên lạc trên khoang S-108 cho các máy bay Su-35 xuất khẩu, gồm 24 chiếc cho Trung Quốc và 60 chiếc cho các nước Indonesia, Việt Nam và Venezuela.
Với tình hình giá dầu thế giới ở mức thấp và đồng Bolivar của Venezuela mất giá tới 700%, đến mức người dân dùng đồng nội tệ thay cho "giấy ăn" thì khả năng mua Su-35 của nước này là rất thấp, trừ khi giá dầu thế giới cải thiện đáng kể trong vài năm tới.
Su-35 được đánh giá là có nhiều tính năng vượt trội như: kế thừa và phát triển lên đỉnh cao mới các đặc tính khí động học cực tốt của dòng Su-27, cộng thêm khả năng tàng hình nhẹ, hệ thống điện tử hàng không, động cơ tiên tiến tiêm cận máy bay thế hệ 5.
Tuy nhiên, đến nay, dòng siêu tiêm kích thế hệ 4++ này dù có tiềm năng xuất khẩu rất lớn những vẫn đang chật vật đi tìm khách hàng nước ngoài đầu tiên.
Dù Báo cáo của Công ty Polyot có đề cập tới Việt Nam như là một khách hàng tiềm năng sẽ mua Su-35 từ nay đến 2020, nhưng liệu cơ hội hiện diện trên "dải đất hình chữ S" của dòng máy bay này là như nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
|
Su-35 là máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4++, có khả năng làm nhiệm vụ tiêm kích phòng không, tiến công mặt đất, diệt hạm toàn diện. Ảnh: Russianplanes.net
|
MiG-35 dội "gáo nước lạnh" vào cơ hội của Su-35 tại Việt Nam?
Cũng như Su-35, một dòng tiêm kích đa năng tiên tiến khác của Nga là MiG-35 cũng đang tìm kiếm khách hàng đầu tiên để thoát khỏi phận long đong sau những lần thất bại trong các gói thầu quốc tế.
Đến ngay BQP Nga cũng đang cân lên đặt xuống xem có mua MiG-35 hay không, quyết định cuối cùng về việc mua 30 chiếc máy bay loại này cho tới năm 2020 vẫn chưa được chính thức đưa ra.
Tuy nhiên, mới đây, Hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Sergei Korotkov, TGĐ Tập đoàn Chế tạo máy bay RKS MiG cho biết, MiG-35 có thể sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Đây là thông tin bất ngờ, đầy thú vị, nhưng dường như lại "dội gáo nước lạnh" vào cơ hội của Su-35.
Quả vậy, trong điều kiện ngân sách mua sắm quốc phòng của Việt Nam có hạn, việc lựa chọn vũ khí, trang bị nào, bao giờ đặt mua và tiếp nhận luôn là bài toán phải được cân chắc rất kỹ lưỡng.
Trong trường hợp Việt Nam quyết định mua MiG-35, nhiều khả năng sẽ đặt hàng với số lượng tương đối, chủ yếu là để được hưởng ưu đãi về giá, tiết kiệm chi phí chuyển loại và vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, giảm đáng kể so với khi chỉ mua số lượng nhỏ.
Bên cạnh đó, theo tiến độ mua sắm Su-30MK2 đã thực hiện, thông thường sẽ phải mất từ 2 đến 3 năm Việt Nam mới hoàn thiện xây dựng 1 trung đoàn không quân với máy bay mới, bởi còn phải thu xếp tài chính, chờ sản xuất máy bay, huấn luyện chuyển loại,...
Nếu Việt Nam mua từ 2 trung đoàn MiG-35 trở lên, tương đương với 24 chiếc hoặc hơn, có lẽ phải mất ít nhất 5 năm mới thực hiện xong và như vậy, phải đến đầu những năm 2020 thì tiến trình này mới kết thúc.
Đến lúc đó, liệu rằng Su-35 có còn là là ưu tiên mua sắm nữa hay không vì khi đó, các máy bay tiêm kích thế hệ 5 của Nga đã "rục rịch" được xuất khẩu. Tiến thẳng lên máy bay tàng hình thế hệ 5 hay tiếp tục với máy bay thế hệ 4++ lại trở thành bài toán mới không dễ giải.
|
Su-30SM và Su-35 của Không quân Nga ghép đội hình trong Lễ duyệt binh Ngày chiến thắng bay qua Quảng trường đỏ ngày 09/05/2015. |
Chưa kể, Su-30SM cũng đang đứng trước cơ hội lớn, bởi nhu cầu của Việt Nam đối với máy bay tiêm kích đa năng tầm xa hạng nặng 2 chỗ ngồi vẫn còn, nhằm tăng cường khả năng chi viện biển đảo, san sẻ nhiệm vụ nặng nề vốn đang đặt lên các máy bay Su-30MK2.
Tóm lại, nếu Việt Nam ưu tiên MiG-35 hơn, khả năng xuất hiện của Su-35 sẽ nhỏ lại rất nhiều. Trong trường hợp ưu tiên mua thêm Su-30SM và không mua MiG-35 thì có lẽ Su-35 vẫn còn cơ hội lớn hơn.
Còn nếu dồn nỗ lực cho cả MiG-35 và Su-30SM thì coi như cánh cửa về Việt Nam của Su-35 đã bị khép lại, vì không ngân sách nào có thể đáp ứng được việc mua sắm cùng lúc 3 loại máy bay hiện đại.
Tuy nhiên, nếu Su-35 lựa chọn là ứng viên duy nhất tiếp theo của Không quân Việt Nam thì cũng là điều hợp lý, bởi lẽ không thể phủ nhận, Su-35 với nhiều tính năng vượt trội, xứng đáng là dòng tiêm kích đa năng thế hệ 4++ hiện đại và uy lực nhất thế giới hiện nay.
>> Nga có thể bán MiG-35 cho Việt Nam
>> Đến năm 2020, Việt Nam có tiêm kích Su-35
Theo Bình Nguyên (Soha.vn)