Sức mạnh trên biển của Anh sẽ được tăng cường đáng kể với uy lực từ các tàu sân bay “khủng” lớp Queen Elizabeth.
HMS Queen Elizabeth sẽ là mũi nhọn sức mạnh trên biển của Anh trong tương lai |
Truyền thông Anh hôm qua 25.5 đưa tin quá trình đóng HMS Queen Elizabeth, chiếc đầu tiên của lớp tàu sân bay Queen Elizabeth, sắp hoàn tất.
Theo kế hoạch, siêu hàng không mẫu hạm này sẽ trải qua các đợt thử nghiệm thực tế trên biển vào năm 2017 và chính thức được đưa vào hoạt động trong năm 2021. Sắp tới, tàu sẽ rời xưởng Rosyth tại vùng Fife, Scotland để đến neo tại cảng Portsmouth.
Giới chức quốc phòng Anh khẳng định HMS Queen Elizabeth sẽ trở thành “xương sống” của hải quân, giúp phô diễn sức mạnh trên biển của lực lượng này trong 50 năm tới. Theo tờ The Telegraph, quá trình đóng tàu HMS Queen Elizabeth bắt đầu từ khoảng năm 2008 - 2009 với sự tham gia của hơn 10.000 người và đến nay đã tiêu tốn khoảng 5 tỉ USD. Đây là tàu chiến lớn nhất và hùng mạnh nhất của Anh cho đến nay.
Những con số biết nói
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dài 280 m, rộng khoảng 70 m, cao 56 m, có độ choán nước 70.600 tấn và di chuyển với vận tốc hơn 46 km/giờ, theo chuyên san K Defence Journal. Như vậy, Anh là nước thứ hai trên thế giới hiện nay sau Mỹ sở hữu tàu sân bay được xếp vào loại siêu hàng không mẫu hạm (độ choán nước trên 70.000 tấn). Hồi tháng 3, hải quân Mỹ đã tiếp nhận tàu sân bay USS Gerald R.Ford trên 100.000 tấn và dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2019.
Nhờ hệ thống động lực gồm 2 động cơ turbine khí Rolls-Royce Marine Trent MT30 công suất 48.000 mã lực, HMS Queen Elizabeth có tầm hoạt động xa tới 19.000 km mà không cần tiếp liệu. Ngoài ra, các nguồn tin quốc phòng cho biết sàn đáp máy bay rộng tới hơn 16.000 m2, thừa sức phục vụ 108 lần xuất kích của các chiến đấu cơ mỗi ngày. Tàu có thể chở theo 36 chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35B, 4 máy bay trực thăng Merlin cũng như một số trực thăng vận tải hạng nặng Chinook và trực thăng tấn công Apache.
Tờ The Telegraph dẫn lời giới chức quân sự Anh tiết lộ thêm trong trường hợp tập trận hoặc thực hiện các sứ mệnh chung với Mỹ, tàu HMS Queen Elizabeth có thể “chở hộ” cả chiến đấu cơ của đồng minh.
Một điểm đặc biệt khác của siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là có hơn 3.000 khoang với sức chứa lên tới 1.600 người. Cụ thể, tàu có thể chở thủy thủ đoàn gần 700 người và thêm 900 người là thành viên phi hành đoàn và lính thủy đánh bộ nếu cần thiết. Về vũ khí, tàu được trang bị các tổ hợp pháo CIWS Phalanx chống máy bay, tên lửa cùng pháo tự động DS30M Mark2 cỡ 30 mm và hệ thống súng máy M134 chuyên ứng phó các tàu tấn công cỡ nhỏ.
Đồ hoạ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth với máy bay F-35B |
Vũ khí chiến lược đa nhiệm
Hiện nay Anh không có tàu sân bay nào đang hoạt động sau khi chính quyền Thủ tướng David Cameron đã cho ngưng hoạt động tất cả các hàng không mẫu hạm cũ để cắt giảm ngân sách. London hy vọng sự hiện diện của tàu HMS Queen Elizabeth sẽ giúp họ nhanh chóng lấy lại vị thế là một trong những thế lực hùng mạnh nhất trên biển.
Theo truyền thông Anh, tàu thứ hai cùng lớp là HMS Prince of Wales cũng đang trong giai đoạn định hình, với những đặc tính còn vượt trội hơn và sẽ được triển khai vào năm 2022. Giới chức hải quân cấp cao Anh nhấn mạnh các tàu lớp Queen Elizabeth sẽ trở thành vũ khí chiến lược của nước này, bên cạnh đội tàu ngầm hạt nhân lớp Trident, đồng thời thay đổi cách thức hoạt động của hải quân xứ sương mù. “Đây là công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa chiến tranh. Nếu ai đó muốn gây chiến, tôi nghĩ họ sẽ phải suy nghĩ lại một khi chứng kiến uy lực của lớp tàu chiến mới. Siêu hàng không mẫu hạm sẽ giúp thay đổi bộ mặt của hải quân Anh”, ông Simon Petitt, người chịu trách nhiệm dự án phát triển lớp tàu Queen Elizabeth, tự hào nói.
The Telegraph dẫn lời ông Petitt còn nhấn mạnh tàu sân bay mới của Anh có thể triển khai cho nhiều sứ mệnh khác nhau. Theo ông, HMS Queen Elizabeth đủ khả năng đóng vai trò chủ lực trong các chiến dịch tiêu diệt những lực lượng vũ trang cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông, cũng như đối phó các đối thủ tiềm tàng như Nga. “Thời chiến tranh vùng Vịnh, máy bay Mỹ xuất phát từ tàu sân bay thâm nhập sâu vào lãnh thổ Iraq để nã bom các hầm trú ẩn của Saddam Hussein và các mục tiêu chiến lược khác. Chúng tôi giờ có thể làm được điều đó”, ông Petitt nói.
Ngoài ra, với siêu tàu sân bay mới, Anh dễ dàng triển khai lính thủy đánh bộ đến Sierra Leone hoặc đưa trực thăng Apache tham gia chiến dịch tại Libya. “Tàu mới giúp chúng tôi góp phần vào việc gìn giữ ổn định tại những điểm nóng trên thế giới”, ông Petitt khẳng định, đồng thời nói thêm rằng ít nhất một tàu sân bay của nước này có thể sẽ được đưa tới vùng Vịnh trong thời gian sắp tới.
Theo tờ The Financial Times, hải quân Anh đã bắt đầu xây dựng một căn cứ hải quân ở Bahrain, căn cứ quan trọng đầu tiên được mở ở phía đông của kênh đào Suez trong hơn 40 năm qua nhằm tăng cường quan hệ quân sự và kinh tế với các nước trong khu vực.
Tờ The Telegraph hôm 25.5 đưa tin vai trò chỉ huy tàu HMS Queen Elizabeth đã được trao cho Phó đề đốc Jerry Kyd.
Trước đây, ông từng là hạm trưởng các tàu sân bay HMS Ark Royal và HMS Illustrious. Tại buổi lễ tiếp nhận, ông Kyd mô tả đây là “thời khắc đặc biệt”. Vị hạm trưởng dày dạn kinh nghiệm cho biết siêu tàu sân bay mới sẽ được trang bị những công nghệ tối tân để đối phó các mối đe dọa trong tương lai, từ máy bay không người lái cho đến robot quân sự cũng như các cuộc tấn công mạng đầy tinh vi. “Đây là thời khắc đặc biệt và công chúng Anh nên tự hào về ngành công nghiệp nước nhà khi có được các bí quyết và kỹ năng để đóng 2 con tàu mới HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales. Lớp tàu sẽ giúp phô diễn sức mạnh hải quân của Anh trên toàn thế giới hoặc ở bất cứ nơi nào chính phủ cần”, The Telegraph dẫn lời ông Kyd phát biểu. |
Theo Danh Toại (Thanh Niên Online)