Siêu tăng Nga 'tự chọn mục tiêu' mà không cần tổ lái

25/02/2021 15:55:06

Lần đầu tiên trong lịch sử chế tạo xe tăng, siêu tăng Nga T-14 Armata có thể xác định mục tiêu trên chiến trường mà không cần tổ lái can thiệp.

Đài Sputnik hôm 24-2 dẫn nguồn tin quân sự cho biết siêu tăng T-14 Armata tiên tiến nhất của quân đội Nga dự kiến được triển khai hàng loạt vào năm 2022.

Siêu tăng Nga này được tích hợp bộ phận chiến đấu không người lái và điều khiển hoàn toàn từ xa. Điều đó giúp tổ lái cách biệt với phần nhiên liệu và đạn dược, đồng nghĩa với việc khả năng sống sót của họ sẽ tăng lên.

Lần đầu tiên trong lịch sử chế tạo xe tăng, T-14 Armata của Nga có thể tìm và chọn mục tiêu trên chiến trường mà không cần sự tham gia của tổ lái.

Siêu tăng Nga 'tự chọn mục tiêu' mà không cần tổ lái
Tăng chủ lực T-14 Armata trong lễ duyệt binh tại thủ đô Moskva, tháng 6/2020. Ảnh: RIA Novosti.

Theo nguồn tin của Sputnik, khả năng của T-14 Armata được thử nghiệm thành công trong quá trình huấn luyện quân sự. Việc tìm và chọn mục tiêu do siêu tăng tự thực hiện nhưng quyết định có khai hoả vào mục tiêu đã chọn hay không vẫn phụ thuộc vào con người.

"Hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS) của T-14 Armata có thể nhận biết các mục tiêu điển hình trên chiến trường, bao gồm xe tăng, trực thăng... Các yếu tố trí tuệ nhân tạo cho phép T-14 Armata tìm kiếm và xác định mục tiêu. Không có thiết bị quân sự nước ngoài nào sở hữu hệ thống điều khiển hỏa lực tương tự T-14 Armata" - nguồn tin tiết lộ.

Siêu tăng của Nga đã tham gia cuộc diễn tập quân sự, trong đó sử dụng mô hình toán học và bố cục mục tiêu bán tự nhiên, bao gồm hình ảnh quang phổ và thiết bị mô phỏng nhiệt. Cuộc diễn tập được tiến hành tại bãi thử với các xe bọc thép Nga đóng vai trò là mục tiêu của T-14 Armata. Hiệu quả của hệ thống FCS được xác nhận là phù hợp với các đặc tính chiến đấu đã công bố.

Để tìm kiếm và xác định mục tiêu, T-14 Armata sử dụng ống ngắm kết hợp cả phạm vi nhìn thấy và hồng ngoại.

Được coi là xe tăng hậu chiến thế hệ thứ ba duy nhất trên thế giới, T-14 Armata sở hữu bộ phận chiến đấu được điều khiển hoàn toàn từ xa, trong khi tổ lái ở trong một khoang bọc thép cách biệt với phần nhiên liệu và đạn dược. Trong trường hợp xe tăng bị bắn trúng, tổ lái có nhiều khả năng sống sót.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport, Alexander Mikheev, 6 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua xe tăng T-14 Armata cho quân đội của họ.

Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)