Được xếp trong Top những dòng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hàng đầu thế giới, dòng xe tăng Type-10 có thể coi là sản phẩm quân sự hàng đầu của Nhật Bản. Tuy nhiên, ít người biết rằng, bên cạnh tính năng chiến đấu, Type-10 còn có nhiều đặc điểm mà không có trên bất kỳ dòng MBT khác trên thế giới.
Nhỏ nhưng có võ
Là sản phẩm của hãng chế tạo Mitsubishi Heavy Industries, Type-10 được xếp vào dòng MBT thế hệ thứ 4 và được thiết kế để thay thay thế cho các dòng xe tăng Type-74 và Type-90 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Type-10 mang đầy đủ tính năng của dòng MBT hàng đầu, cũng như phù hợp với điều kiện đặc thù của Nhật Bản.
MBT Type-10 được phát triển trong những năm 1990. Nguyên mẫu đầu tiên của Type-10 được giới thiệu năm 2008 đã gây ấn tượng mạnh với giới chuyên gia quân sự thế giới. Type-10 có những cải tiến đáng kể về khả năng cơ động, bảo vệ, hỏa lực, cũng như nhiều chức năng chiến đấu khác so với "người tiền nhiệm".
Cùng với đó, Type-10 cũng được tích hợp phương thức tác chiến C4I (Chỉ huy, điều khiển, kết nối, tính toán và trinh sát) giúp tăng cường khả năng phản ứng và sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện tác chiến hỗn hợp, binh chủng hợp thành. Ở thời điểm cuối những năm 2000, đây có thể coi là công nghệ đột phá so với các dòng MBT trên thế giới.
Type-10 vẫn sử dụng pháo chính cỡ 120mm, nhưng là sản phẩm nội địa hóa hoàn toàn do Japan Steel Works chế tạo. Nhờ sử dụng nòng pháo mới dài hơn (Caliber 55 – L55), uy lực được tăng lên đáng kể với các loại đạn thanh xuyên dưới cỡ mới. Type-10 vẫn dùng súng máy đồng trục 7,62mm và súng máy hạng nặng 12,7mm trên nóc tháp pháo.
Một trong những cải thiện đáng kể của Type-10 là hệ thống giáp composite module hóa và hợp kim thép được xử lý nano hóa giúp giảm trọng lượng tổng thể toàn xe, nhưng vẫn đảm bảo khả năng bảo vệ xe chống lại các loại đạn chống tăng nổ lõm và xuyên phá động năng.
Hệ thống truyền động trên xe được cải tiến với công nghệ CVT giúp Type-10 có thể cơ động trên mọi địa hình với vận tốc tới 70 km/giờ. Việc sử dụng cơ cấu nạp đạn tự động giúp giảm số thành viên kíp lái xuống còn 3 người, cũng như tối ưu không gian trong khoang xe.
Cùng với đó, việc tách biệt cụm hỗ trợ quan sát quang-ảnh nhiệt của trưởng xe và xạ thủ giúp mở rộng góc quan sát và phản ứng của xe tăng Type-10 và hỗ trợ khả năng "săn tìm-tiêu diệt" với sự hỗ trợ của công nghệ C4I.
Công nghệ treo thủy lực độc đáo cũng là một điểm nhấn của Type-10. Với hệ thống này, xe tăng có thể thay đổi góc nghiêng để nâng hay hạ góc bắn, cũng như tạo độ nghiêng để giảm khả năng trúng đạn của xe.
Xe tăng "xếp hình lego"
Từ những sai lầm trong thiết kế của "người tiền nhiệm" Type-90, xe tăng Type-10 được thiết kế để phù hợp với đặc thù nhiều cầu, cống hay đổ bộ lên đảo của Nhật Bản. Chính vì điều này, Type-10 được thiết kế để có thể tháo toàn bộ hệ thống giáp bảo vệ module giúp giảm trọng lượng xe.
Ở phiên bản đầy đủ, Type-10 nặng tới hơn 48 tấn, nhưng khi tháo toàn bộ hệ thống giáp bảo vệ, trọng lượng xe giảm xuống còn dưới 40 tấn. Nhờ điều này, Type-10 có thể cơ động tới mọi nơi trên lãnh thổ Nhật Bản.
Hình ảnh xe tăng Type-10 cởi bỏ lớp giáp để giảm trọng lượng cũng giống như tháo bỏ các khối như lắp ráp trong trò chơi xếp hình lego. Đây có thể coi là một điểm đặc biệt của xe tăng Nhật Bản so với các dòng MBT chủ lực khác trên thế giới.
Cùng với đó, việc tháo rời hệ thống giáp cũng giúp việc vận chuyển, sửa chữa và nâng cấp giáp của Type-10 được đơn giản hóa và thuận tiện.
Với sự phát triển của công nghệ đạn chống tăng hiện đại và vật liệu mới, thiết kế giáp xe tăng cần được nâng cấp liên tục.
Type-10 chính là dòng xe tăng được thiết kế theo xu hướng như vậy. Với các gói nâng cấp, xe tăng Type-10 coi như được "cải lão, hoàn đồng" liên tục, đáp ứng khả năng bảo vệ trước mối đe dọa từ vũ khí chống tăng hiện đại.
Ngoài Nhật Bản, xu hướng thiết kế giáp tăng dạng này cũng đang được nhiều quốc gia khác áp dụng.
Theo Ngọc Huy (Soha/Trí Thức Trẻ)