Đầu tháng 7-2017, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm đã cảnh báo tình hình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục diễn ra trên thế giới.
Mỹ bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III đêm 26-4-2017 - Ảnh: Không quân Mỹ |
Không có quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân trong tương lai gần. Các nước đều tiếp tục phát triển hoặc triển khai thêm các hệ thống vũ khí mới hoặc tuyên bố sẽ làm như thế. Chuyên viên Shannon Kile (Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm) |
Chín nước gồm năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Ấn Độ, Pakistan, Israel, Triều Tiên đang sở hữu 14.935 đầu đạn hạt nhân, trong đó đã triển khai 4.150 đầu đạn.
Trung tuần tháng 3-2017, một máy bay chiến đấu F-16 lặng lẽ cất cánh từ căn cứ không quân Nellis rộng 40.000km2 tại bang Nevada, Hoa Kỳ.
Máy bay bay đến bãi đất huấn luyện gần căn cứ và ném xuống một quả bom B61-12. Không ai biết sự kiện này cho đến một tháng sau, không quân Mỹ phối hợp với Cục An ninh hạt nhân quốc gia (Bộ Năng lượng Mỹ) phát thông báo.
Át chủ bài vũ khí hạt nhân Mỹ
Đây là lần đầu tiên không quân Mỹ ném thử thành công bom hạt nhân B61-12 bằng máy bay F-16.
Mục đích nhằm xác định xem có thể sử dụng máy bay F-16 ném bom này được không, đồng thời kiểm tra các chức năng phi hạt nhân như hệ thống bắn, rađa độ cao, máy tính kiểm soát quy trình ném bom, động cơ.
Vụ ném thử bom B61-12 bằng máy bay F-16 nằm trong khuôn khổ “Chương trình kéo dài thời hạn bom B61-12” (B61-12 LEP) được Lầu Năm Góc tiến hành từ tháng 2-2012. Cục An ninh hạt nhân quốc gia phối hợp với Trung tâm Vũ khí hạt nhân không quân Mỹ cùng quản lý chương trình này.
Tướng Robert Kehler, nguyên chỉ huy Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM), giải thích bom B61-12 là át chủ bài trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện nay và là vũ khí duy nhất có khả năng hoàn thành các nhiệm vụ chiến thuật và chiến lược.
Lầu Năm Góc đánh giá bom B61-12 sẽ là thành phần then chốt trong bộ ba vũ khí hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không của Mỹ.
Nhiều thành phần của bom B61-12 được phát triển và thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm quốc gia ở Los Alamos và Albuquerque (bang New Mexico), Livermore (bang California), sau đó sẽ được sản xuất hàng loạt tại nhà máy ở các bang Missouri, Texas, Nam Carolina và Tennessee. Bộ phận đuôi định hướng sẽ do Hãng Boeing cung cấp.
Lầu Năm Góc đã chuẩn bị sản xuất 480 quả bom hạt nhân B61-12 từ tháng 3-2020 với kinh phí ước tính 10-12 tỉ USD.
Theo chương trình nghiên cứu, B61-12 là mẫu bom quy tụ mọi ưu điểm của các loại bom khác như bảo đảm an toàn, giảm chi phí bảo trì, chính xác hơn, đặc biệt là giảm số lượng chất phân hạch để phá hủy mục tiêu.
Theo chuyên gia Donald Cook ở Cục An ninh hạt nhân quốc gia, thế hệ bom B61-12 cải tiến sẽ chỉ sử dụng 1/6 số lượng chất phân hạch.
B61-12 sẽ thay thế bom B61
Theo hai chuyên gia Hans M. Kristensen và Robert S. Norris ở Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, hiện quân đội Mỹ chỉ có một loại vũ khí hạt nhân chiến thuật duy nhất là bom B61 thế hệ cũ. Mỹ dự tính sử dụng siêu bom B61-12 thế hệ mới thay thế bom B61.
Bom B61-12 có sức nổ trung bình 50 kiloton (tương đương 50.000 tấn chất nổ TNT), gấp bốn lần sức nổ của quả bom thả xuống Hiroshima năm 1945.
Bom có bốn mức nổ tùy chỉnh theo mục tiêu cần phá hủy, thay đổi từ 0,3 kiloton đến 360 kiloton (tương đương sức nổ từ 300 tấn đến 360.000 tấn chất nổ TNT).
Ngay sau khi không quân Mỹ thử nghiệm ném bom B61-12 bằng máy bay F-16, nhà nghiên cứu địa chính trị người Ý Manlio Dinucci đã khẳng định đây không chỉ là bom cải tiến của thế hệ bom B61, mà thực sự là một loại bom mới.
Bom được trang bị hệ thống dẫn đường nên máy bay chở bom không cần ném bom theo chiều thẳng đứng, mà có thể thả bom từ xa để bom tự động tìm đến mục tiêu.
Ngoài ra, bom còn có sức xuyên phá đủ để phá hủy các trung tâm chỉ huy đặt dưới hầm ngầm sâu trong lòng đất.
Theo tướng James Cartwright - nguyên chỉ huy STRATCOM, do loại bom B61-12 chính xác hơn và có thể điều chỉnh sức công phá nhỏ nên chắc chắn được ưu tiên sử dụng hơn trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Trung tâm Vũ khí hạt nhân không quân Mỹ nhận xét bom B61-12 dễ sử dụng hơn vì tương thích với nhiều loại máy bay của Mỹ và NATO như máy bay ném bom B-2A và B-21 hoặc máy bay tiêm kích chiến thuật F-15E, F-16C/D, F-16 MLU, F-35 và PA-200 (Đức và Ý đang sử dụng).
10 năm = 400 tỉ USD
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố đầu tháng 7-2017, chín nước có vũ khí hạt nhân đang sở hữu 14.935 đầu đạn hạt nhân (đầu đạn đã triển khai cộng với số lưu kho hoặc chờ hủy) so với gần 70.000 đầu đạn vào giữa thập niên 1980 và 15.395 đầu đạn vào đầu năm 2016.
Nguyên nhân giảm đầu đạn chủ yếu do Mỹ và Nga (sở hữu gần 93% số đầu đạn hạt nhân) cắt giảm.
Dù vậy, chín nước vẫn hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, dù có nỗ lực mới đây trong đàm phán quốc tế về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.
Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ đã dự kiến chi cho chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân khoảng 400 tỉ USD trong 10 năm (2017-2026).
Theo chuyên gia Hans Kristensen, chương trình này có thể đạt đến 1.000 tỉ USD trong 30 năm tới. Ông lưu ý: “Các dự án hiện đại hóa hạt nhân đầy tham vọng này vốn đã được lập ra từ thời tổng thống Obama”.
Theo chương trình hiện đại hóa, Mỹ sẽ chế tạo 12 tàu ngầm tấn công hạt nhân mới (mỗi tàu trang bị 24 tên lửa có thể phóng gần 200 đầu đạn hạt nhân), 100 máy bay chiến lược (mỗi máy bay chở 20 tên lửa hay bom hạt nhân) và 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa bắn từ mặt đất.
Ngoài ra sẽ tăng gấp ba sức công phá của các tên lửa đạn đạo hiện nay để vô hiệu hóa kẻ thù ngay trong loạt khai hỏa đầu tiên.
Theo SIPRI, chương trình cụ thể gồm: thay thế máy bay B-52H và B-1B bằng máy bay B-21 trong những năm 2030 và 2040, sử dụng tên lửa đạn đạo tàng hình Standoff bắn từ trên không với tầm xa hơn và độ chính xác cao hơn, thay thế tên lửa Minuteman III bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới vào năm 2028 theo chương trình “Chiến lược răn đe từ mặt đất” (GBSD), thay thế tàu ngầm lớp Ohio bằng tàu ngầm trang bị tên lửa lớp Columbia từ năm 2031, thay thế bom B61 bằng siêu bom B61-12.
Mỹ sở hữu 6.800 đầu đạn hạt nhân Mỹ hiện sở hữu 6.800 đầu đạn hạt nhân, trong đó đã triển khai 1.800 đầu đạn gồm 1.650 đầu đạn chiến lược và 150 đầu đạn chiến thuật. Trên bộ, Mỹ đã bố trí 450 tên lửa LGM-30G Minuteman III mang đầu đạn hạt nhân loại W78 hay W87 tại ba căn cứ ở Wyoming, Bắc Dakota và Montana. Trên biển, Mỹ đang sử dụng 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio trang bị tên lửa Trident II D-5, trong đó có 8 tàu ngầm hoạt động ở Bangor nhìn ra Thái Bình Dương và 6 tàu ngầm ở Kings Bay và Norfolk nhìn ra Đại Tây Dương, nhắm đến các mục tiêu Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Lực lượng hạt nhân trên không của Mỹ gồm 94 máy bay B-52H, B-2A cùng các phi đội F-15E, F-16, F-35 và PA-200. |
Theo Trần Ngọc Long (Tuổi Trẻ)