'Siêu biến thể' Covid-19 được coi là tồi tệ nhất từ trước đến nay khiến số ca nhiễm ở Nam Phi tăng vọt, WHO họp khẩn, các nước áp hạn chế đi lại

26/11/2021 08:50:35

Biến chủng Covid-19 mới dường như mạnh hơn so với các phiên bản khác xuất hiện ở Nam Phi khiến số ca nhiễm tại nước này tăng vọt.

Trong một cuộc họp báo bất thường tối muộn hôm qua (giờ địa phương), Bộ Y tế Nam Phi và nhiều chuyên gia cảnh báo biến thể Covid-19 mới B.1.1.529 mang nhiều đột biến có thể lây nhiễm nhanh hơn và né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể con người.

Viện Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi (NICD) cho biết tới nay đã xác định 22 ca nhiễm biến thể này.

Trong vài tuần qua, số ca nhiễm mới được ghi nhận ở Nam Phi mỗi ngày vào khoảng vài trăm, tuy nhiên trong những ngày gần đây đã tăng lên hơn 1.000 và hôm qua đã lên tới 2.465.

Dữ liệu mà các phòng thí nghiệm ở Nam Phi thu thập được cho thấy biến thể mới chủ yếu xuất hiện ở tỉnh Gauteng vốn rất đông dân cư. Thành phố lớn nhất của Nam Phi Johannesburg và thủ đô Pretoria đều thuộc tỉnh Gauteng. Ngoài ra, một số tỉnh khác cũng ghi nhận ca nhiễm B.1.1.529.

Biến thể B.1.1.529 cũng đã được phát hiện ở Botswana và Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Ca bệnh ở Hong Kong là một người trở về từ Nam Phi.

'Siêu biến thể' Covid-19 được coi là tồi tệ nhất từ trước đến nay khiến số ca nhiễm ở Nam Phi tăng vọt, WHO họp khẩn, các nước áp hạn chế đi lại
Ảnh minh họa: AP

Trong một thông báo mới đây, quyền giám đốc điều hành NICD Adrian Puren cho rằng mục tiêu lúc này là xác định xu hướng hành vi của virus.

"Các chuyên gia của chúng tôi đang nỗ lực hết sức dựa trên hệ thống giám sát để tìm hiểu về biến thể mới và những nguy cơ có thể xảy ra," Puren cho hay.

WHO hôm 25/11 thông báo sẽ tổ chức họp khẩn liên quan tới biến thể B.1.1.529.

"Chúng tôi chưa biết gì nhiều về biến thể mới. Những gì chúng tôi đã biết là biến thể mới có rât nhiều đột biến. Mối lo ngại của chúng tôi là lượng lớn đột biến có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của virus," tiến sĩ Maria Van Kerkhove, người đứng đầu về chuyên môn của WHO trong các vấn đề ứng phó với Covid-19 cho biết.

Biến thể mới cũng khiến giới chức y tế Anh lo ngại vì số lượng đột biến lớn và khả năng lây nhiễm nhanh ở người trẻ tuổi.

Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết B.1.1.529 có protein gai khác hẳn so với phiên bản virus SARS-CoV-2 ban đầu mà giới khoa học nghiên cứu để phát triển vaccine.

UKHSA đánh giá các đột biến của B.1.1.529 có thể khiến virus né tránh được phản ứng miễn dịch sinh ra bởi vaccine hay sinh ra tự nhiên do đã từng nhiễm bệnh trước đó. Cơ quan này cũng cho rằng biến thể có nguy cơ lây lan nhanh hơn.

Nhiều quan chức Anh cho rằng B.1.1.529, vốn có số đột biến gấp đôi so với Delta, là "biến thể tồi tệ nhất tới nay".

"Chúng ta biết rằng biến thể này có một số lượng lớn đột biến, có lẽ là gấp đôi số đột biến ở biến thể Delta," Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nói.

"Điều đó có nghĩa là nó có thể lây nhiễm nhanh hơn, và các loại vaccine hiện nay có thể kém hiệu quả hơn," ông Javid nói thêm.

Giới chức Anh hôm 26/11 cho biết sẽ tạm thời cấm bay từ Nam Phi, Namibia, Botswana,  Zimbabwe, Lesotho và Eswatini. Công dân Anh trở về từ những nước này sẽ phải cách ly.

Giới khoa học cho rằng vẫn cần thêm nghiên cứu phòng thí nghiệm để đánh giá khả năng biến thể làm giảm hiệu quả vaccine.

Tuy vậy, các quan chức đề nghị chính phủ Anh hành động nhanh chóng, quyết liệt trước sự xuất hiện của B.1.1.529, ngay cả khi phải thêm nhiều tuần lễ nữa giới khoa học mới có đủ thông tin cần thiết về biến thể này.

Trong khi đó, Israel hôm 25/11 cũng thông báo bổ sung Nam Phi vào danh sách các nước "đỏ", sau khi biến thể B.1.1.529 được phát hiện ở nước này, đồng nghĩa với việc người Israel sẽ không thể di chuyển tới Nam Phi.

Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini cũng được bổ sung vào danh sách "đỏ" của Israel. Những người không phải công dân Israel tới từ các nước này sẽ bị cấm nhập cảnh.

Công dân Israel trở về từ các nước trên sẽ phải cách ly tập trung bảy ngày tại cơ sở chỉ định, dù đã tiêm đủ liều vaccine hay chưa, đồng thời sẽ chỉ được rời khỏi điểm cách ly sau hai lần xét nghiệm PCR âm tính.

Những người không muốn xét nghiệm sẽ bị buộc cách ly 14 ngày.

Sau khi thảo luận cùng các quan chức y tế, thủ tướng Israel Naftali Bennett đã yêu cầu xem xét khả năng dừng tất cả các chuyến bay từ Nam Phi và tới Nam Phi cũng như các nước lân cận, nhưng chưa có quyết định nào được công bố.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật