Được thiết kế với công nghệ tối tân và vật liệu đặc biệt, tàu ngầm lớp Seawolf có thể diệt tàu ngầm Liên Xô trước khi chúng phát hiện ra tàu Mỹ.
Dù những thông tin về tàu ngầm Seawolf không được Mỹ tiết lộ nhiều nhưng cũng đủ thấy sức mạnh đáng sợ của lớp tàu đặc biệt này. Về hệ thống hỏa lực, tàu ngầm lớp Seawolf trang bị 8 ống phóng ngư lôi cỡ 660mm, nhưng lại chỉ được dùng để phóng ngư lôi hạng nặng MK-48 cỡ 533mm.
Việc này nhằm giảm tiếng ồn do việc phóng ngư lôi gây ra, tránh việc bị tàu ngầm đối phương phát hiện. Ngư lôi hạng nặng MK-48 nặng 1,5 tấn, dài 5,79m, lắp đầu đạn nặng 295kg, đạt tốc độ hành trình 55 hải lý/h. Đặc biệt, Mk48 có thể bắn mục tiêu ở độ sâu tối đa 800m, tầm bắn 38km (dẫn đường thụ động) hoặc 50km (dẫn đường chủ động).
Ngoài MK-48, Seawolf có khả năng phóng một số loại ngư lôi hạng nhẹ, thủy lôi, tên lửa hành trình chống tàu UGM-84 Harpoon và cả tên lửa hành trình đối đất tầm xa Tomahwk (tối đa 50 quả).
|
Tàu ngầm Seawolf của Mỹ. |
Với tên lửa Tomahawk, tàu ngầm Seawolf không chỉ có khả năng săn ngầm mạnh mà còn đe dọa mục tiêu đất liền cách xa hàng nghìn km, độ chính xác mỗi vụ tấn công cực cao.
Để loạt vũ khí đáng sợ này tấn công chính xác mục tiêu, tàu ngầm Seawolf được trang bị hệ thống điện tử tối tân. Seawolf sử dụng hệ thống định vị thủy âm trinh sát rải rộng BQQ-5D và loại chủ động BQS-24. Ngoài ra tàu ngầm còn có thể kéo theo hệ thống định vị thủy âm TB-16, TB-29.
Thông tin từ hệ định vị thủy âm thu về sẽ được hệ thống AN/BBQ-10 (V4) của Lockheed Martin lập chương trình xử lí. Để định hướng, tàu sử dụng radar BPS-16, hoạt động trên băng tần I. Nhờ hệ thống hiện đại này, tàu có khả năng phát hiện sớm tàu ngầm đối phương, và tung đòn đánh chặn.
Để đối phó với những đòn phản công của tàu ngầm địch, Seawolf sử dụng hệ thống phóng ngư lôi mồi WLY-1 của Northrop Grumman và một đối phó điện tử GTE WLQ-4.
Hệ thống khí tài này đã cho tàu ngầm Seawolf khả năng toàn diện: phát hiện sớm mục tiêu, tấn công mạnh mẽ, cơ động nhanh chóng và phòng ngự tránh đòn phản công...
Vô hại tại Bắc Cực
Với những trang bị đỉnh cao của mình, nên dù đã ra đời khá lâu, nhưng lớp Seawolf vẫn được xem là một những tàu ngầm hạt nhân mạnh hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo truyền thông Nga, lớp tàu này gần như không thể khai hỏa khi tác chiến tại Bắc Cực - nơi có lớp băng khá dày.
Nhận định này được đưa ra sau khi truyền thông Nga đăng tải đoạn video được trực thăng Mi-8 của Nga ghi lại cảnh tàu ngầm lớp Seawolf của Hải quân Mỹ gặp sự cố tại khi nổi lên tại Bắc Cực. Được biết, đoạn video này được ghi hình từ năm 2015 nhưng đến nay mới được Nga công bố.
Theo nội dung đoạn video được công bố cho thấy, tàu ngầm lớp Seawolf nổi lên mặt băng và phát tín hiệu khói màu đỏ. Được biết khói màu đỏ thường là tín hiệu cấp cứu theo quy định của Hải quân Mỹ. Ngoài ra, hình ảnh ghi lại cho thấy phần thượng tầng của tàu ngầm Seawolf đã xuất hiện hư hỏng.
Khi quan sát hình ảnh này, một số chuyên gia cho biết, hỏng hóc này xuất hiện do con tàu gặp sự cố nào đó và phải nổi lên gấp. Vì vậy, đã va chạm với lớp băng dày ở Bắc Cực. Vì sự cố này, truyền thông Nga cho rằng, trong trường hợp con tàu này muốn nổi lên để khai hỏa tại Bắc Cực gần như là điều không thể.
Chính vì vậy, con tàu này chỉ rất mạnh bằng những tuyên bố của Hải quân Mỹ và nó trở nên vô hại khi hoạt động tại nới có khí hậu khắc nghiệt tại Bắc Cực.
Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)