Việc Scotland đòi độc lập khỏi Anh không phải là mới nhưng thời gian qua chủ đề Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) đã “phủ bóng” lên mọi chương trình nghị sự lẫn sự quan tâm của người dân Anh. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, đa số cử tri Scotland không muốn ly khai nhưng khi đó chưa có Brexit. Giờ đây, Anh đã rời khỏi EU, vai trò và chỗ đứng của Anh tại châu Âu đã có sự thay đổi, vì thế, giới chức vùng Scotland đã bắt đầu đánh tiếng về cuộc bầu cử độc lập lần 2.
Quan điểm của người dân Scotland đã thay đổi
Vào năm 2014, khi lần đầu tiên cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho Scotland được tổ chức, rất nhiều cuộc thăm dò dư luận khi đó đánh giá cơ hội chiến thắng của phe theo đuổi độc lập cho Scotland nhỉnh hơn so với phe ủng hộ ở lại trong Vương quốc Anh. Tuy nhiên, kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm đó cho thấy có đến 55% dân Scotland không muốn rời Vương quốc Anh, con số vượt xa khá nhiều các dự đoán.
Nguyên nhân chính được giải thích khi đó là đã có một “đa số im lặng” ở Scotland lên tiếng để ngăn cản các biến động chính trị-xã hội khó lường khi Scotland rời khỏi Vương quốc Anh sau hơn 3 thế kỷ gắn bó. Cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 cho thấy bản chất của mối quan hệ Scotland – Vương quốc Anh rất phức tạp, số người muốn ly khai và số người muốn duy trì một Vương quốc hợp nhất gần như tương đương nhau, rất khó phân định.
Brexit đương nhiên là một sự kiện địa chính trị lịch sử có tác động lớn đến mối quan hệ phức tạp này khi trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về Brexit, có đến 62% người dân Scotland phản đối việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu, con số cao nhất trong 4 vùng lãnh thổ tạo nên Vương quốc Anh.
Việc đa số người dân Scotland phản đối Brexit chắc chắn sẽ làm sống lại, thậm chí là đẩy mạnh các ý định ly khai hơn trước do nhiều người Scotland sẽ có suy nghĩ rằng chỉ có việc trở thành một quốc gia độc lập thì Scotland mới bảo vệ được lợi ích tốt nhất của mình.
Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi trong suốt hơn 3 năm đàm phán Brexit, chính phủ Anh cũng như Nghị viện Westminster hầu như không để tâm đến các yêu cầu và đòi hỏi từ phía các đảng chính trị tại Scotland. Thậm chí, tiếng nói của đảng SNP tại Nghị viện Vương quốc Anh trong một thời gian dài còn không được xem trọng băng đảng nhỏ bé là “Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland” (DUP) vốn chỉ có 10 nghị sĩ. Một số cuộc thăm dò trong các năm 2018 và 2019 khẳng định phe ly khai tại Scotland đã giành thêm được nhiều sự ủng hộ.
Nhưng đã có quá nhiều sự kiện lớn diễn ra không chỉ tại Vương quốc Anh mà còn trên thế giới trong vài năm qua và môi trường chính trị hiện nay cũng khác xa năm 2014. Các phân tích hiện nay cho thấy, mặc dù các tư tưởng đòi độc lập đang quay lại và thu hút sự chú ý lớn hơn tại Scotland nhưng đồng thời, mức độ hoài nghi về sự cần thiết và hợp lý của việc trở thành một quốc gia độc lập cũng không hề nhỏ.
Cuộc bầu cử vừa qua ở Scotland cho thấy điều đó, khi các nhóm ủng hộ và phản đối độc lập chia đều chiến thắng ở các đơn vị bầu cử, dù về tổng thể thì đảng SNP và đảng Xanh Scotland vốn cũng ủng hộ độc lập, chiếm đa số tại Nghị viện Edinburg.
Khả năng Scotland trưng cầu ý dân về độc lập lần thứ 2
Từ năm 2014 đến nay, Brexit không phải là một sự kiện lớn duy nhất tại châu Âu. Trong khoảng thời gian đó đã diễn ra cuộc khủng hoảng ly khai ở vùng Catalonia tại Tây Ban Nha vào cuối năm 2017 và đặc biệt là từ hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 đã bùng phát trên toàn cầu. Hai sự kiện này tạo nên một rào cản tâm lý lớn đối với những người ủng hộ Scotland độc lập.
Bài học ở Catalonia cho thấy, cuộc chiến độc lập không hề đơn giản bởi có quá nhiều khía cạnh pháp lý, hiến pháp ràng buộc. Scotland không thể đi theo vết xe đổ của Catalonia khi bất chấp mọi cản trở để tìm đường độc lập bởi ngay cả như vậy, sự độc lập đó cũng sẽ không được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước châu Âu, ủng hộ.
Khi đó, độc lập sẽ trở thành tương đối vô nghĩa nếu Scotland không được gia nhập EU hay NATO. Cả hai thiết chế này đều cũng đã công khai tuyên bố, dù có độc lập khỏi Vương quốc Anh, cũng không có nghĩa là Scotland được tự động trở thành thành viên của EU và NATO.
Cuối cùng, đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế của mọi quốc gia vào một tương lai bất định. Cả Scotland lẫn Vương quốc Anh đều chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nên vào thời điểm này, khi đại dịch chưa kết thúc, các ưu tiên cần phải giành cho việc chiến thắng đại dịch và phục hồi kinh tế. Chia tay Vương quốc Anh vào thời điểm này sẽ là bất hợp lý và bất khả thi khi Scotland phụ thuộc lớn vào Vương quốc Anh. Đó là lí do mà ngay sau chiến thắng, Thủ hiến Scotland và là lãnh đạo đảng SNP, bà Nicola Sturgeon mặc dù tuyên bố theo đuổi độc lập nhưng cũng cho biết sẽ chỉ bàn đến độc lập sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
Chiến lược của SNP là theo đuổi một cuộc chiến pháp lý và hiến pháp lâu dài, khi thách thức sẽ đem yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 ra Tòa tối cao tại Anh nếu chính phủ Anh cản trở. SNP cũng đưa ra cột mốc là đến cuối năm 2023 sẽ giành được quyền tổ chức trưng cầu ý dân lần 2. Tuy nhiên, đây sẽ là cuộc chiến rất phức tạp khi sự phản đối đến từ nhiều phía.
Các đảng Bảo thủ và Công đảng tại Scotland phản đối ý định này, chính phủ Anh của Thủ tướng Boris Johnson sẽ bằng mọi giá ngăn cản và theo các quy định hiện tại, Nghị viện Westminster cũng có tiếng nói quyết định trong việc có đồng ý cho Scotland tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 hay không. Cuộc chiến này sẽ kéo dài cả về mặt pháp lý, truyền thông, đồng thời kéo theo các tranh luận về dân chủ và so với năm 2014 thì hiện tại đảng SNP không có vị thế tốt hơn để đảm bảo có thể chiến thắng.
Nguy cơ khơi lại ý định ly khai ở Bắc Ireland và xứ Wales
Đối với chính phủ của Thủ tướng Anh, Boris Johnson, việc Scotland muốn độc lập là một vấn đề vô cùng quan trọng vì không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại một cách toàn vẹn của Vương quốc Anh mà còn đến cả vận mệnh chính trị của đảng Bảo thủ cũng như cá nhân ông Boris Johnson. Do đó, vào thời điểm này, mọi quan chức chính phủ Anh đều tìm mọi cách bác bỏ và hạ thấp sự chú ý vào yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về độc lập của Scotland.
Hai lý lẽ chính được chính phủ Anh đưa ra là, đây không phải thời điểm thích hợp do toàn bộ Vương quốc Anh cần phải tập trung nguồn lực chiến thắng đại dịch Covid-19 và đưa nền kinh tế bước ra khỏi cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 3 thế kỷ.
Ngoài ra, ông Boris Johnson cũng cho rằng, kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 cần phải được tôn trọng trong ít nhất một thế hệ, tức khoảng 20 năm. Việc đảng SNP yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác chỉ sau 7 năm là không hợp lý và không thể chấp nhận.
Quan điểm của chính phủ Anh rất rõ ràng, đó là sẽ không chấp nhận yêu cầu từ phía SNP và sẽ tìm mọi cách cản trở cuộc trưng cầu ý dân lần 2. Khác với năm 2011, khi cựu Thủ tướng Anh David Cameron buộc phải đồng ý với yêu cầu từ SNP sau khi đảng này chiến thắng vang dội tại Scotland, lần này chính phủ đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson có các lý lẽ để không chịu nhượng bộ.
Thứ nhất, bất chấp Brexit và việc xử lý đại dịch Covid-19 bị chỉ trích rất nhiều, các cử tri Anh vẫn giành sự ủng hộ lớn cho đảng Bảo thủ và cá nhân ông Boris Johnson, thể hiện qua việc đảng Bảo thủ giành thêm nhiều ghế trong cuộc bầu cử địa phương hôm 6/5 vừa qua.
Thứ hai, đảng SNP tuy chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Scotland nhưng vẫn thiếu 1 ghế (64 ghế) để tự mình chiếm đa số tại Nghị viện Edinburg, do đó đảng SNP cũng khó có thể cho rằng mình được các cử tri Scotland trao cho nghĩa vụ đòi độc lập. Vì thế, chính phủ Anh sẽ ngăn cản, trì hoãn và kéo dài các đòi hỏi từ đảng SNP, tạo nên một cuộc chiến pháp lý kéo dài trong nhiều năm tới, cho đến ít nhất là kỳ tổng tuyển cử tiếp theo tại Anh vào năm 2025./.
Theo Quang Dũng (Vov.vn)