"Quyết định này phù hợp với đạo luật về Dịch vụ giáo dục dành cho du học sinh, nhằm duy trì tính toàn vẹn của hệ thống thị thực Australia", người phát ngôn Sở Giáo dục Nam Australia nói, cho biết các đơn đăng ký khác từ Việt Nam vẫn được xem xét bình thường.
Quyết định trên được đưa ra trong quá trình xem xét quê quán của nhóm nhỏ du học sinh Việt mất tích tại Úc thời gian qua, đồng thời tuân thủ đạo luật Dịch vụ giáo dục dành cho sinh viên quốc tế (ESOS 2000) nhằm bảo vệ tính trung thực của hệ thống thị thực nước này, theo người phát ngôn Sở Giáo dục Nam Úc.
"Quyết định tạm dừng sẽ được xem xét lại nếu cần thiết", người phát ngôn nhấn mạnh, song không nêu rõ thời gian hoặc bối cảnh cụ thể để được xem xét lại.
Cũng theo người phát ngôn Sở Giáo dục Nam Úc, cảnh sát đang nỗ lực xác định vị trí của các du học sinh Việt mất tích. Mặt khác, cơ quan này vẫn tiếp tục làm việc với cảnh sát, gia đình giám hộ người bản xứ, trường học và các công ty tư vấn du học để đảm bảo kết quả tốt nhất cho tất cả các bên.
Như VietNamNet đã thông tin, một số du học sinh Việt sống ở bang Nam Australia đã biến vào những thời điểm khác nhau trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024. Gần đây nhất là nữ sinh Sunnie Nguyen, 17 tuổi, được nhìn thấy lần cuối tại nhà của gia đình bản xứ ở TP South Plympton vào ngày 8/1.
Sau đó, Sunnie biến mất cùng ba lô, laptop, một ít quần áo và vài giấy tờ tùy thân quan trọng. Căn phòng không có dấu hiệu bị đột nhập và phần lớn tư trang của em vẫn còn nguyên. Điện thoại của nữ sinh này sau đó đã bị ngắt kết nối và các tài khoản mạng xã hội như Instagram, Snapchat, TikTok cũng bị xóa sạch.
Đến ngày 11/1, cảnh sát tuyên bố đã tìm thấy một trong số những du học sinh Việt mất tích. Tuy nhiên, 4 trường hợp còn lại vẫn chưa có thông tin mới.
Cơ quan chức năng Australia đang kêu gọi bất cứ ai có thông tin về nơi ở của du học sinh Việt mất tích có thể liên hệ với Cảnh sát bang Nam Australia.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Australia, tính đến tháng 10/2023, hơn 31.600 sinh viên người Việt ở nước này, xếp thứ 6 về số lượng du học sinh, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Colombia và Philippines. Số này bao gồm sinh viên ở cả hệ phổ thông, đại học, cao đẳng, các chương trình học nghề hay học tiếng Anh.
Để làm hồ sơ xin thị thực du học Australia (visa 500), sinh viên quốc tế được yêu cầu có thư chấp nhận của trường, đóng bảo hiểm y tế, có tờ khai chấp thuận từ bố mẹ hoặc người giám hộ (nếu dưới 18 tuổi), thư giải trình về mục đích học tập và khả năng ở lại hay rời đi sau khi hoàn thành chương trình học, cùng một số giấy tờ khác. Nếu thay đổi chỗ ở, họ phải khai báo địa chỉ mới trong 7 ngày, nếu không sẽ bị hủy thị thực.
Biên Thùy (SHTT)