Vì sao Hòa Thân luôn được vua Càn Long sủng ái?
Trước hết, tài năng của Hòa Thân là hiếm có trên thế giới. Ông tinh thông 4 loại văn tự là: Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng và có biệt tài trong việc quản lý tài chính. Dưới bàn tay của Hòa Thân, tài chính trong cung Càn Long bao giờ cũng được đảm bảo.
Hòa Thân có học thức uyên thâm. Càn Long cả đời yêu thích thơ phú, Hòa thân thì thuộc lòng từng câu chữ, ý thơ hay thói quen dùng điển tích điển cố, cách gieo vần của Càn Long. Để có thể tung hứng với Càn Long, Hòa Thân cũng bỏ công sức học thơ và làm thơ nên khả năng thơ phú của ông ta cũng là thiên hạ hiếm có.
Đặc biệt Hòa Thân có khả năng xu nịnh hơn người. Vào những năm cuối đời, Càn Long càng ngày càng không thích nghe những lời trung thần, thích đao to búa lớn, khoác loác khoe khoang là thập toàn lão gia, cho rằng mình có thể sánh ngang với tổ phụ Khang Hi. Hòa Thân thì hàng ngày vẫn dùng những lời đó để mê hoặc Càn Long, luôn luôn làm cho Càn Long hả hê sung sướng.
Ngoài ra, lòng trung thành của của Hòa Thân đối với Càn Long và nhà Thanh khó có thể so sánh được. Tuy là kẻ tham lam lớn trong lịch sử nhưng lại rất trung thành với vua.
Sau khi Hòa Thân chết, Gia Khánh xử lý 9 người vợ của ông ta như thế nào?
Sau khi Càn Long truyền ngôi cho con trai là Gia Khánh, số phận của Hòa Thân từng bước thay đổi. Cụ thể, vào đầu năm 1799, Hoàng đế Càn Long băng hà. Gần một tháng sau khi vua cha chết, Hoàng đế Gia Khánh điều tra các tội danh của Hòa Thân. Do phạm nhiều tội nghiêm trọng với những bằng chứng không thể chối cãi nên bị Hoàng đế Gia Khánh khép vào tội chết. Cùng với đó, toàn bộ gia sản của y bị triều đình tịch thu.
Gia Khánh đế đã rất khoan dung với vợ của Hòa Thân, ông không hề thu nạp họ vào hậu cung, cũng không hề hạ lệnh giết họ, ông đã chọn cách thả cho họ đi.
Người vợ đầu tiên, cũng là người Hòa Thân gắn bó sâu đậm nhất, là Phùng Tế Văn - con gái Tổng đốc Phùng Anh Liêm. Phùng thị kết hôn với Hòa Thân khi ông ta mới 18 tuổi, luôn hết mực ủng hộ và hỗ trợ chồng. Tình cảm của 2 vợ chồng khá bền chặt. Tuy nhiên, vào năm 1797, bà qua đời vì bệnh tật. Ông ta làm liền 6 bài thơ để bày tỏ sự đau xót. Cái chết của Phùng thị cũng mở đầu cho chuỗi bất hạnh liên tiếp giáng xuống đầu gia đình đại tham quan.
Người đầu tiên tuẫn tiết theo Hòa Thân là Trường Nhị Cô - vợ thứ 2. Bà là danh kỹ nổi tiếng Bắc Kinh, rất giỏi thơ văn và đàn hát. Không chỉ vậy, Trường Nhị Cô còn là người biết đối nhân xử thế, trợ thủ đắc lực của Hòa Thân trong việc quản lý tài chính, chi tiêu nội bộ trong Hòa phủ. Sau khi tham quan họ Hòa bị xử tử, Trường Nhị Cô trang điểm lộng lẫy và kết thúc đời mình bằng một tấm lụa trắng.
Người vợ thứ ba là Ngô Liên Khanh - nàng là thê thiếp của Vương Quan Hoành, viên quan đồng triều với Hòa Thân. Chồng Ngô Liên Khanh bị xử trảm do phạm trọng tội. Chỉ chờ có thế, Hòa Thân hỏi cưới người đẹp sau nhiều lần “tới nhà an ủi tang quyến”.
Người vợ thứ 4 là Đậu Khấu. Đây là cô vợ trẻ tuổi nhất, lại giỏi làm nũng nên được Hòa Thân rất mực chiều chuộng. Đậu Khấu là “món quà” của Uông Như Long - thương nhân buôn muối giàu nhất Dương Châu - dâng lên Hòa Thân để đổi lấy chức Diêm chính (viên quan quản lý ngành buôn muối).
Chỉ hai ngày sau khi Hòa Thân bị hành quyết, Ngô Liên Khanh và Đậu Khấu cũng nhảy lầu tự tử.
Hòa Thân cũng có một người vợ ngoại quốc, tên Mary. Sở hữu làn da ngăm đen, thân hình đầy đặn khỏe mạnh, Mary có biệt danh là “hoa hồng đen”. Mary là “cống phẩm” từ phương Tây dâng lên hoàng đế Càn Long. Càn Long sau đó lại “ban thưởng” Mary cho Hòa Thân.
Sau khi Hòa Thân chết, khác với 3 người vợ kia, Mary cùng 4 người vợ khác của Hòa Thân là Nạp Lan, Hắc Mai Khôi, Tiểu Oanh, Tử Yến vơ vét một lượng lớn vàng bạc, báu vật rồi trốn khỏi Hòa phủ, phiêu bạt khắp nơi không rõ tung tích. Kể từ đó, không ai rõ sống chết của họ.
Theo Dương Huyền (Công Lý & Xã Hội)