Sau 48 giờ mà các nước gia hạn để Qatar phản hồi tối hậu thư, cuộc tẩy chay lớn chưa từng có ở Vùng Vịnh nhiều khả năng tiếp tục căng thẳng song khó rơi vào xung đột quân sự.
Bản tối hậu thư yêu cầu Qatar ngừng hỗ trợ nhóm Anh em Hồi giáo, đóng cửa kênh truyền hình al Jazeera, giảm quan hệ với Iran, đóng cửa một căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar...
Doha có 10 ngày để trả lời nhưng đã các nước Vùng Vịnh đã gia hạn thêm 48 giờ nữa (hết hạn sáng nay) theo yêu cầu của Kuwait, nước đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột.
Hai bên chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự "xuống nước". Điều duy nhất có thể hy vọng là phản hồi của Doha đối với bản tối hậu thư, được Ngoại trưởng Qatar chuyển qua Kuwait hôm 3/7. Nội dung phản hồi này vẫn chưa được tiết lộ. Liệu kịch bản nào sẽ xảy ra đối với cuộc tẩy chay lớn chưa từng có ở Vùng Vịnh này?
Qatar từ chối yêu sách, cấm vận càng siết chặt
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani từng nói rằng Doha sẽ không đáp ứng những yêu cầu được cho là vô lý trong bản tối hậu thư 13 điểm, cho rằng đó là sự vi phạm chủ quyền chứ không nhằm chống khủng bố.
"Qatar rõ ràng sẽ từ chối những yêu cầu này", Chase Untermeyer, cựu đại sứ Mỹ tại Qatar từ năm 2004 đến 2007, nói với CNBC. Bà cho rằng có rất ít cơ hội để các bên thỏa thiệp về bản yêu sách 13 điểm.
Nhiều khả năng trong phản hồi mới đây trước hạn chót tối hậu thư, câu trả lời của Doha vẫn là không. Trong trường hợp đó, liệu nhóm 4 nước Vùng Vịnh có thể bỏ qua hạn chót mà không đưa ra thêm lệnh trừng phạt nào?
Peter Salisbury, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của tổ chức Chatham House, cho rằng điều này là không thể. Ông dự đoán các nước Vùng Vịnh sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt mới đối với "nhiều cá nhân, ngân hàng và công ty Qatar hơn nữa, không khác gì lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Nga".
Ngoại trưởng Kuwait Sheikh Sabah al-Khalid al-Sabah đọc bức thư trả lời tối hậu thư mà ngoại trưởng Qatar chuyển cho các nước Vùng Vịnh thông qua Kuwait. Ảnh: AP. |
Đại sứ của UAE tại Nga Omar Ghobash nói với Guardian hôm 28/6 rằng UAE đang cân nhắc tăng sức ép lên Doha thông qua các đối tác thương mại.
"Ra điều kiện đối với các đối tác thương mại của chúng tôi là một khả năng. (Chúng tôi sẽ) nói 'Nếu các ông muốn hợp tác với chúng tôi thì hãy đưa ra một lựa chọn thương mại'", Bloomberg dẫn lời ông Ghobash nói.
Graham Griffiths, nhà phân tích của hãng tư vấn rủi ro toàn cầu Control Risks ở Dubai, cho rằng làm như vậy sẽ là "quá khiêu khích và không hay với các nước đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản".
Theo Griffiths, các chính phủ có thể phản đối hành động gây tổn hại cho hoạt động của các công ty nước họ. Các vụ kiện và yêu cầu bồi thường có thể diễn ra sau đó nếu như các thỏa thuận quốc tế bị vi phạm.
Loại bỏ Qatar ra khỏi Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) cũng là một phương án siết chặt cấm vận của nhóm 4 nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập.
Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash từng nói nếu không thực hiện các yêu cầu, Qatar có thể bị buộc ra khỏi liên minh 6 nước này. Đây là cơ chế khu vực thành lập năm 1981 để phối hợp chính sách kinh tế và chính trị của các nước Vùng Vịnh.
Loại Doha khỏi GCC yêu cầu sự nhất trí ủng hộ của 5 thành viên còn lại. Điều này có nghĩa Oman và Kuwait cũng phải ủng hộ, nhưng hiện nay cả hai đều không tham gia cuộc tẩy chay Qatar. Kuwait đang rất tích cực nỗ lực hòa giải trong khi Oman hoàn toàn đứng ngoài cuộc xung đột.
Người Qatar từ bỏ lãnh đạo của mình
Một số hãng truyền thông trong khu vực dự đoán việc Doha từ chối đáp ứng bản yêu sách 13 điểm của các nước Vùng Vịnh sẽ dẫn tới sự thay đổi lãnh đạo ở Qatar.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Salisbury của Chatham House, điều này hầu như không thể xảy ra. Sự ủng hộ của người dân Qatar dành cho Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani của họ là rất mạnh mẽ.
Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. Ảnh: Middleeastmonitor.com. |
"Có vẻ như nhiều người tiên đoán Mỹ và Tổng thống Trump sẽ cứng rắn hơn và người Qatar sẽ xuống nước tương đối dễ dàng, nhưng điều này đã không xảy ra", ông Salisbury nhận định.
Tổng thống Trump hôm 2/7 nói với các lãnh đạo của Saudi Arabia, UAE và Qatar hãy giải quyết xung đột và nhấn mạnh yêu cầu đoàn kết để chống khủng bố.
Vùng Vịnh rơi vào chảo lửa
Điều này khó có khả năng xảy ra nhưng không phải là không thể. Phát ngôn viên chính phủ UAE nói với BBC rằng UAE không có kế hoạch "quân sự hóa" cuộc khủng hoảng ngoại giao và chắc chắn xung đột quân sự bùng phát sẽ là thảm họa cho tất cả các bên.
Qatar có hiệp ước quân sự lâu dài với Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi có căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Đại sứ Qatar tại Nga Fahad al-Attiyah hồi tuần trước nói ông tin sự hiện diện của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar sẽ giúp Doha chống lại một cuộc xâm lược.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại Qatar. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, tất cả các quốc gia liên quan đến cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh đều chi mạnh tay mua sắm vũ khí hiện đại của phương Tây, song chưa quốc gia nào từng bị một nước còn lại tấn công quân sự.
Mỹ định bán một số máy bay F15 trị giá 12 tỷ USD cho Qatar nhưng kế hoạch này đã bị ngăn chặn bởi Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Quan hệ quốc tế Thượng viện. Ông Corker muốn dừng các thỏa thuận vũ khí với các nước đồng minh của Mỹ ở Vùng Vịnh cho đến khi cuộc khủng hoảng được giải quyết.
Các nỗ lực hòa giải của Kuwait và Mỹ cho đến nay vẫn chưa đem lại kết quả đáng kể nào. Nhóm các nước Vùng Vịnh đưa ra tối hậu thư đã nhấn mạnh rằng các yêu cầu trong đó là không thể đàm phán lại. Qatar thì nói sẽ không thương lượng khi đang phải chịu "một cuộc phong tỏa bất hợp pháp".
Emily Hawthorne, nhà phân tích Trung Đông và Bắc Phi của công ty tư vấn địa chính trị Stratfor, dự đoán cuộc khủng hoảng có thể kéo dài nhiều tháng nữa.
Ngày 5/7, ngoại trưởng các nước ra tối hậu thư dự kiến có cuộc gặp ở Cairo, Ai Cập nhằm cân nhắc bước đi tiếp theo với Qatar.
Theo Ngụy An (Tri Thức Trực Tuyến)