Thực tế cho thấy, chẩn đoán sai lệch về căn bệnh thế kỷ có thể khiến người ta "chết" vì lo lắng chứ không phải do bệnh tật.
Chung Tiếu Vĩ sinh năm 1963, là người con thứ tư trong gia đình 5 anh chị em. Khi mới 7 tuổi, cha anh qua đời vì ung thư phế quản, khiến người mẹ phải gánh vác gia đình với mức lương ít ỏi 28 tệ/tháng từ những năm 70 - 80s tại một công ty xe bus ở Thành Đô.
Gia cảnh bấp bênh, cậu thanh niên Chung Tiếu Vĩ bắt buộc phải nghỉ học và lao động chân tay để kiếm sống từ khi còn nhỏ.
Trong mấy mươi năm sau, Chung làm nhiều công việc nặng nhọc với mức lương chết đói, thường xuyên đánh lộn và gặp đủ rắc rối với pháp luật. Trong bài phỏng vấn với tờ The Paper, Chung nói rằng anh ta quá chán nản và bị lôi kéo sử dụng ma túy vào năm 1996.
Khoảng 10 năm sau, Chung quyết tâm cai nghiện làm lại cuộc đời, nhờ tài nấu nướng mà anh đã tự mở nhà hàng, lên kế hoạch kết hôn với người yêu (từng là bạn nghiện) vào mùa xuân năm 2009.
Trước khi kết hôn, cả hai thống nhất phải đi xét nghiệm tổng thể. Đến tháng 12/2008, Chung choáng váng vì nhận kết quả dương tính với HIV. Sau vài lần kiểm tra lại, cơ quan y tế Thành Đô lẫn Tứ Xuyên đều xác nhận Chung Tiếu Vĩ là "người sống chung với HIV".
Chung nói rằng, anh chấp nhận án tử khủng khiếp đó không chút nghi hoặc, đây có thể là hậu quả của nhiều năm tiêm chích ma túy.
Không lâu sau đó, Chung bị người yêu và gia đình xa lánh, cắt đứt mọi liên lạc, kinh doanh sập tiệm. Chung cho biết, sự ghẻ lạnh của người thân còn kinh khủng hơn HIV rất nhiều lần.
"Người thân có đối xử với tôi theo cách nào cũng không có nghĩa lý gì nữa, kiểu gì tôi cũng chết", Chung Tiếu Vĩ chia sẻ.
Người đàn ông này buông xuôi tất cả, ngày qua ngày anh ta ở yên trong căn hộ tồi tàn, từ chối mọi sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần. Chung nói rằng cái chết là không tránh khỏi, anh cũng không phải không sợ chết nhưng không dám ngủ trên giường. Nỗi ân hận, cắn rứt khiến anh kiệt quệ, đến mức mệt quá rồi lịm đi trên ghế, cứ thế mỗi đêm trong 7 năm liền.
Chung đã từng có ý định tự tử, nhưng không thể làm vậy vì sợ người mẹ cao tuổi không thể chịu đựng nổi.
Trong suốt những năm tháng đó, Chung sống dựa vào khoản trợ phúc lợi ít ỏi. Để được trợ cấp, anh phải báo cáo về số lượng CD4, một phép thử cho thấy số lượng tế bào T (một loại bạch cầu chuyên tìm diệt vi khuẩn) trong máu. Khi có HIV, số tế bào T sẽ sụt giảm khiến sức đề kháng của người bệnh suy yếu theo thời gian.
Vào tháng 12/2015. Chung tới trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ở quận Kim Ngưu để kiểm tra như thường lệ. Trong lúc chờ đợi, Chung đọc qua một số tài liệu về HIV và tự thấy rằng bản thân chẳng có triệu chứng gì giống người dương tính với HIV cả.
Trông thấy tia hi vọng le lói, anh ta đã tới bệnh viện thuộc Đại học Tứ Xuyên vào đúng lễ Giáng Sinh để xét nghiệm máu.
Kết quả cho thấy Chung Tiếu Vĩ âm tính với HIV, cơ quan kiểm soát dịch bệnh huyện Kim Ngưu cũng xác nhận anh ta không có HIV.
Kết quả này từng gây hoang mang trong ngành y tế Trung Quốc, người ta đã tìm thấy mẫu máu của họ Chung từ năm 2008 để xét nghiệm lại. Kết quả vẫn là HIV dương tính.
Không thể có chuyện Chung Tiếu Vĩ tự khỏi HIV được, chỉ có thể là nhầm lẫn khi xét nghiệm. Chung buộc tội CDC vì sơ suất để lẫn mẫu máu và hủy hoại cả cuộc đời của anh.
Đầu năm 2017, Chung Tiếu Vĩ đã lên kế hoạch khởi kiện cả 2 trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Thành Đô và Tứ Xuyên, yêu cầu được xin lỗi công khai và nhận lại bồi thường do những đau đớn mà anh phải gánh chịu.
Dường như các bài kiểm tra CD4 đã gặp phải lỗi này từ lâu. Câu chuyện tương tự đã xảy với một người đàn ông ở Hà Nam, anh ta bị chẩn đoán nhiễm HIV và cũng phải chịu nhiều cay đắng suốt 8 năm. Tất cả là do các mẫu máu bị xáo trộn dẫn đến nhầm lẫn.
Theo JJJ (Helino)