T-72B3 được xem là sự kết hợp hài hòa giữa giá thành sản xuất và tính năng kỹ chiến thuật, nó đang giữ vai trò xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Quân đội Nga.
Đây thực sự là tin vui đối với những người yêu quân sự nước nhà, nếu quá trình trên diễn ra suôn sẻ, Bộ binh Việt Nam sẽ sớm trở lại ngôi vị cường quốc số 1 khu vực Đông Nam Á sau thời gian dài phải dành ưu tiên cho Phòng không - Không quân, Hải quân cũng như Thông tin liên lạc.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS |
Tuy nhiên dễ nhận thấy rằng con số 200 chiếc T-90MS trên chỉ đủ để trang bị cho 2 trung đoàn, chắc chắn chúng sẽ được ưu tiên triển khai tại những địa bàn trọng yếu, có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Trong khi đó, để tạo ra bước chuyển về chất thực sự cho 8 lữ đoàn xe tăng đang có trong biên chế, Việt Nam sẽ cần số lượng lớn hơn nhiều phương tiện hiện đại, do T-54/55 dự kiến sẽ không được nâng cấp toàn bộ mà chỉ chọn lọc có trọng điểm.
Nhưng vì ngân sách quốc phòng còn eo hẹp, kinh phí dành cho hợp đồng T-90MS ước tính lên tới hàng tỷ USD (bao gồm đạn dược đi kèm và cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác), cho nên khó xảy ra khả năng Việt Nam sẽ đặt hàng một lô T-90MS tiếp theo mà chúng ta cần giải pháp thực tế hơn.
Hiện nay hai quốc gia có lực lượng tăng thiết giáp đứng đầu thế giới là Nga và Trung Quốc cũng đang đi theo đường hướng trên mặc dù tiềm lực của họ mạnh hơn Việt Nam rất nhiều lần.
Cụ thể, Nga đang tiến hành chương trình hiện đại hóa T-72B lên chuẩn T-72B3 ở quy mô lớn để tác chiến bên cạnh T-90, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất các phiên bản đời mới của dòng Type 96 bất chấp việc họ luôn quảng cáo rằng Type 99 chính là "Vua xe tăng châu Á".
Bởi vậy, để hoàn thiện công cuộc đưa Lục quân tiến lên hiện đại, bên cạnh mua T-90MS hay nâng cấp T-54/55, Việt Nam rất nên tính tới phương án trang bị bổ sung T-72B3.
Xe tăng T-72B3 của Nga trong một cuộc duyệt binh |
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 được giới thiệu chính thức vào năm 2013, nó là sự kết hợp hài hòa giữa giá thành và tính năng kỹ chiến thuật khi chỉ tốn 1,7 triệu USD chi phí cải tạo (rẻ hơn rất nhiều lần con số 4,15 triệu USD cho một chiếc T-90A sản xuất mới).
T-72B3 và T-90 chia sẻ với nhau rất nhiều công nghệ cũng như trang thiết bị, ví dụ như pháo nòng trơn 2A46M-5 cỡ 125 mm bắn được các loại đạn thế hệ mới, giáp phản ứng nổ Kontakt-5, kính ngắm đa kênh Sosna-U hay hệ thống quản lý tác chiến TKN-3MK...
Gần đây Nga còn cho ra mắt biến thể T-72B3M (còn gọi là T-72B4) lắp động cơ diesel V-92S2F công suất 1.130 mã lực mạnh mẽ hơn cùng giáp phản ứng nổ Relikt. Năng lực tác chiến của T-72B3M được đánh giá tiệm cận với T-90.
Xe tăng T-72B3M (trái) cùng T-90A (phải) tại thao trường Alabino |
Tóm lại, với giá thành rẻ, sức mạnh gần như tương đương T-90, Việt Nam có thể cân nhắc và học tập theo cách mà Nga hay Trung Quốc đang làm, đó là mua bổ sung một lượng lớn T-72B3/B3M để giao trọng trách xương sống của lực lượng tăng thiết giáp bên cạnh T-54/55 nâng cấp, nhằm hỗ trợ cho chủ lực T-90MS.
Nếu kế hoạch trên được triển khai, chắc chắn Lục quân Việt Nam sẽ xây chắc ngôi vị số 1 khu vực trên cả hai tiêu chí số lượng cũng như chất lượng.