Năm 1998, cuộc sống của Monica Lewinsky bị đảo lộn.
Sau nhiều tháng bị điều tra, tổng thống Mỹ Bill Clinton thừa nhận đã ngoại tình với Lewinsky, thực tập sinh của Nhà trắng. Vụ bê bối này khiến Lewinsky bị chế nhạo, lên án mạnh mẽ từ dư luận Mỹ.
Guardian còn gọi Lewinsky là “một trong những người bị làm nhục nhiều nhất trong thế kỉ 20”. Cô nhận mình là “bệnh nhân số 0”, người đầu tiên bị làm nhục công khai bởi người dùng mạng Internet.
Tuy nhiên, sau 2 thập kỉ, Lewinsky đã vượt lên sự tổn thương tâm lý và hoạt động giúp đỡ những người cô hiểu rõ nhất: nạn nhân của sự dè bỉu, khinh rẻ từ đám đông.
Tuần trước, cô viết một tiểu luận trên tạp chí Vanity Fair, nhìn lại vụ bê bối của 20 năm trước dưới lăng kính của thời nay.
Từng có ý định tự tử
Lewinsky tiết lộ trên Vanity Fair cô mắc chứng rối loạn tâm lý sau sang chấn (PTSD), do bị “công khai phê phán và tẩy chay”.
“Sự hoảng loạn tâm lý của tôi dài đằng đẵng, đau đớn, và tốn kém, và đến nay vẫn chưa kết thúc”, cô viết.
Lewinsky và cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton bắt đầu tán tỉnh nhau không lâu sau khi cô gái 22 tuổi bắt đầu thực tập cho Nhà trắng. Một ngày, cô nói ra tình cảm của mình, và vị tổng thống hơn cô 27 tuổi bắt đầu ngoại tình.
Cuộc tình vụng trộm bị vỡ lở sau khi một đồng nghiệp của Lewinsky sau này ở Bộ Quốc phòng bí mật ghi âm lời tâm sự của cô về việc quan hệ tình dục với Bill Clinton, và cung cấp cho cuộc điều tra nhắm vào tổng thống.
Kết quả của cuộc điều tra, một báo cáo dài hàng trăm trang, được công bố trên Internet. Chi tiết thu thập được chiếm trọn thời lượng của báo đài Mỹ, bao gồm 9 lần họ quan hệ tình dục.
“Sự nhục nhã đó thật đau đớn. Cuộc sống của tôi trở nên không thể chịu nổi”, cô từng nói trên diễn đàn trao đổi ý tưởng TED.
Sự khinh rẻ của dư luận khiến Lewinsky có ý định tự tử. Mẹ của cô phải canh chừng cạnh giường của cô mỗi đêm và không dám để cô khóa cửa phòng tắm.
Những năm sau, Lewinsky bán các phụ kiện thời trang, và tham gia vào một vài dự án truyền thông, nhưng bị cho là “lợi dụng sự tai tiếng của mình”.
Để thoát khỏi dư luận, cô sang Anh học cao học về tâm lý xã hội. Nhưng khi Lewinsky về Mỹ xin việc trong lĩnh vực quảng cáo nhãn hiệu, nhưng cô nhận ra năng lực hay bằng cấp không khỏa lấp định kiến của xã hội. Các công việc đều nói “cô không phù hợp” vì “quá khứ” của mình.
“Đó là 10 năm khổ sở đối với tôi. Tôi thực sự gục ngã, tôi không thể tìm đường cho mình”, Lewinsky nói với Guardian.
Giúp các nạn nhân của búa rìu dư luận
Cuối năm 2010, một cuộc gọi với mẹ làm Lewinsky thay đổi cách nhìn cuộc sống. Mẹ nói với cô chuyện sinh viên 18 tuổi Clementi Tyler bị quay lén trong khi đang hôn một người đàn ông khác và đăng lên mạng. Sau nhiều ngày bị chế nhạo và làm nhục trên mạng xã hội, cậu đã nhảy cầu tự vẫn.
“Tội nghiệp cha mẹ cậu ta, thật tội nghiệp”, mẹ của Lewinsky vừa nói vừa khóc.
Lewinsky cũng bật khóc. Cô nhận ra mẹ của cô đang khóc vì phải sống lại những ngày mà chính con gái mình cũng có ý định tự tử.
“Tôi ước gì có thể nói với cậu ấy rằng tôi hiểu phần nào cảm giác khi những bí mật nhạy cảm, riêng tư nhất bị tiết lộ với thế giới. Và cậu ấy có thể vượt qua được, dù tưởng như không thể”, cô kể lại trong bài tiểu luận “Sống qua Tủi nhục” trên Vanity Fair năm 2014.
Lewinsky nhận ra nếu chia sẻ câu chuyện của mình, cô có thể giúp những người khác đang trải qua những ngày đen tối vì bị đám đông sỉ nhục, theo Guardian.
Sau bài viết này, Lewinsky được mời nói chuyện trong một hội thảo của Forbes và ở diễn đàn TED. Hiểu được sức lan tỏa của TED, cô thuê người về dạy cách thuyết trình. Nỗ lực này được đền đáp xứng đáng. Lời chia sẻ của cô có ảnh hưởng tới mức được đưa vào giảng dạy ở trường học bên cạnh các tác phẩm văn học kinh điển, theo Guardian.
Giờ đây, các nhóm từ thiện như Giải thưởng Diana của Hoàng gia Anh đề nghị hợp tác với cô. Cô cũng thuyết trình ở Facebook, ở các hội thảo doanh nghiệp, về chủ đề làm cách nào để Internet có nhiều sự cảm thông hơn.
Cô làm việc với Bystander Revolution, tổ chức chống bắt nạt học đường chuyên đưa ra các video lời khuyên cho trẻ em bị bắt nạt.
“Nếu tôi đã mắc kẹt ở quá khứ, thì sẽ ý nghĩa hơn nếu tôi cho nó một mục đích nào đó”, Lewinsky nói.
Những ngày này, các nạn nhân từng bị bắt nạt trên mạng thường chào hỏi cô “ở tàu điện ngầm, xếp hàng gọi cà phê, hoặc ở các buổi tiệc”. Đối với họ, sự cảm thông từ một nạn nhân khác là liều thuốc cho vết thương tâm lý.
Một ý tưởng mới đến với Lewinsky những năm gần đây. Các em học sinh nói chúng không biết nói gì khi thấy các bạn bị bắt nạt trên mạng. Biết các em tiếp thu hình ảnh nhanh hơn từ ngữ, Lewinsky đề nghị với hãng viễn thông Vodafone cho phép cô thiết kế một loạt các ảnh động và mặt cười chống bắt nạt để các em dùng thay lời nói: những trái tim động đậy được 2 cánh tay ôm lấy, có nhiều màu khác nhau.
Bill Clinton “lạm dụng quyền lực”
Trong bài viết mới đây trên Vanity Fair, Lewinsky cũng trầm ngâm về phong trào #MeToo, hashtag mà hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới dùng để chia sẻ những câu chuyện quấy rối tình dục của mình, sau khi người đàn ông quyền lực từ nhiều lĩnh vực bị cáo buộc quấy rối tình dục.
Cũng trên Vanity Fair 4 năm trước, Lewinsky viết mối quan hệ giữa cô và Bill Clinton là đồng thuận 2 phía. Nhưng lần này “qua lăng kính mới” của phong trào #MeToo, cô chỉ ra có “sự khác biệt quyền lực to lớn” giữa một thực tập sinh như cô và một tổng thống. Và cô viết “giờ đây chúng ta đã nhận ra đó là một sự lạm dụng quyền lực”.
Cô nhận ra điều đáng sợ nhất vào năm 1998 là cảm giác cô đơn. Mặc dù cô vẫn được sự hỗ trợ từ người thân và bạn bè, nhưng đây là sự “cô đơn trước dư luận”.
“Tôi không nghĩ mình sẽ cảm thấy cô đơn đến thế nếu vụ đó xảy ra vào thời đại này. Một điều đáng mừng của phong trào này là số lượng lớn các phụ nữ đã đứng lên và hỗ trợ lẫn nhau”, Lewinsky viết. “Hầu như bất cứ ai cũng có thể chia sẻ câu chuyện #MeToo của mình và sẽ được chấp nhận”.
Theo Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)