Theo Tân Hoa Xã, mưa lớn kéo dài đã khiến một đoạn đường cao tốc chạy từ thành phố Mai Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) tới huyện Đại Bộ theo hướng Phúc Kiến đã bị sụt lún nghiêm trọng vào khoảng 2h10 sáng 1/5. Vụ việc bất ngờ xảy ra khiến nhiều phương tiện đã bị trượt xuống đoạn sụt lún dài gần 18 m, khiến hơn 20 phương tiện bị mắc kẹt và 48 người thiệt mạng tính đến chiều ngày 2/5.
Hiện tại, tỉnh Quảng Đông và thành phố Mai Châu đã lựa chọn đội ngũ chuyên gia y tế, y bác sĩ lành nghề nhất để tiến hành hội chẩn đa khoa, nỗ lực hết sức để điều trị những người bị thương. Công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cũng đồng thời được tiến hành.
"Ông tôi lo lắng đến mức quỳ xuống xin đừng có xe đi qua"
Ngày 1/5, cô Rao, một người chứng kiến vụ sạt lở đã chia sẻ với The Paper rằng khi họ đang đi, một nửa đoạn đường đã gần như bị sập nên buộc phải đạp ga hết mức để lao qua. Ngay sau khi vượt qua khu vực sạt lở, họ đã dùng đèn flash ở điện thoại để cố gắng báo hiệu những chiếc xe sau dừng lại.
"Ông tôi lo lắng đến mức quỳ xuống xin đừng có xe đi qua" - cô Rao chia sẻ.
Một người khác kể lại, khi lái xe đi qua, trên đường chỉ xuất hiện một vết nứt và ổ gà nhỏ. Nhưng lập tức sau đó, đoạn đường phía sau bất ngờ sạt lở khiến những chiếc xe đi sau lần lượt rơi xuống chiếc hố sâu 4 - 5 mét. Từ đoạt bị sụt lở đã bùng lên một ngọn lửa dữ dội kèm theo tiếng nổ lớn, khung cảnh vô cùng hỗn loạn.
Một nhân chứng khác cho biết bản thân chỉ cách nơi sạt lở khoảng 100 mét và đây là lần đầu tiên trong đời cô có cảm giác cái chết cận kề đến vậy. Tiếng nổ lớn khiến cô gái bật khóc vì sợ hãi.
Cũng vào thời điểm đó, vợ chồng anh Vương khi đang lái xe tải đông lạnh đến vị trí cách vụ sạt lở khoảng hơn 100 mét thì thấy một chiếc ô tô ngược chiều liên tục nháy đèn nhắc nhở mọi người phía trước có vụ sạt lở lớn. Anh Vương đã lập tức dùng chiếc xe tải lớn của mình chắn ngang đường để những chiếc xe phía sau dễ dàng nhìn thấy và dừng lại.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Cục Quản lý sự cố đã cử tổ công tác đến hiện trường để thực hiện cứu nạn cứu hộ. Địa phương cũng đã ngay lập tức cử hơn 500 người gồm các đội cấp cứu, cứu hỏa, cứu hộ bom mìn tham gia tiến hành công tác cứu hộ, cứu nạn.
Vào lúc 19 giờ ngày 1/5, Zhang Huayu, phó đội trưởng Đội cứu hỏa Mai Châu cho biết, có hai khó khăn trong công tác cứu hộ. Đầu tiên, do mưa lớn kéo dài; thứ hai là vẫn còn rất đông người tại hiện trường vụ sạt lở. Cùng với đó, sỏi và đất đá vẫn có khả năng tiếp tục trượt xuống gây nguy hiểm cho chính sự an toàn của lực lượng cứu hộ.
Lực lượng cứu hộ đã chia 10 đội tìm kiếm cứu nạn, đồng thời sử dụng cảnh khuyển tìm kiếm cứu nạn và máy dò tìm để tiến hành tìm kiếm cứu nạn toàn diện, đồng thời huy động máy xúc, cần cẩu để dọn dẹp và tìm kiếm cứu nạn, cố gắng giải cứu những người bị mắc kẹt nhanh nhất có thể trong thời gian giải cứu vàng là 72 giờ.
Tài xế trẻ cứu sống 6 người giữa đêm
Liu Yongjin (1988, tài xế, Thâm Quyến) khi lái xe về quê trong dịp nghỉ lễ vào thời điểm xảy ra sự việc đã đi qua đoạn đường.
"Tôi nhận thấy phía trước có sự việc bất thường xảy ra nên đã giảm tốc độ. Qua hỏi thăm thì biết đoạn đường cao tốc phía trước bị sập nên tôi đã dừng xe lại bên đường và tới kiểm tra tình hình. Khi đến gần nơi xảy ra sự việc, tôi nghe thấy tiếng người còn mắc kẹt kêu cứu nên lập tức xuống dốc để cứu người" - Liu Yongjin kể lại.
Sườn dốc bị sạt lở lại không có đèn chiếu sáng nên vô cùng nguy hiểm. Cộng thêm thời tiết mưa nên đường đất càng trơn trượt, đi lại khó khăn. Anh đã vừa cẩm chiếc điện thoại để chiếu sáng, vừa bấu tay vào cỏ cây ven đường để chầm chậm bước xuống dốc. Đôi chân anh run lên vì lo sợ. Mặc dù vậy, anh Liu Yongjin vẫn quyết định bước xuống.
Khi đến nơi phát ra tiếng kêu cứu, anh thấy những nạn nhân đã trèo ra khỏi xe nhưng do bị thương nên khó có thể leo lên vị trí an toàn. Anh đã nhanh chóng giúp đỡ đưa các nạn nhân đang mắc kẹt trong vụ sạt lở lên trên.
"Tôi bế từng đứa trẻ. Một trong những bé gái vẫn luôn sợ hãi bật khóc tìm mẹ nên tôi phải liên tục an ủi bé. Tôi đã giúp đỡ đưa tất cả mọi người đến nơi an toàn", Liu Yongjin cho biết anh đã giải cứu 6 người trong đó có 3 người lớn và 3 trẻ em. Bé nhỏ nhất chỉ mới khoảng 3 tuổi.
Người dân tình nguyện hiến máu đến 2 lần cứu sống nạn nhân
Rất nhiều người bị thương đã được đưa tới Bệnh viện Nhân dân Mai Châu để điều trị. Sau đó, Bệnh viện trực thuộc số 1 của Đại học Tôn Trung Sơn đã tổ chức một buổi họp để các chuyên gia tiến hành có thể tư vấn từ xa cho quá trình điều trị người bị thương trong vụ sạt lở.
Vì cần máu để cứu người bị thương nên nhiều người dân đã đến các điểm hiến máu gần nhất để giúp đỡ ngay khi biết tin.
"Tình cờ lúc đó tôi đang ở gần, nghe thông báo cần người đến hiến máu nên tôi đã vội vàng đến để hiến 300 ml", anh Liao Zhitian cho biết. Anh cũng chia sẻ thêm, khi đến nơi đã có rất đông người đứng chờ xếp hàng hiến máu và ngày càng đông.
"Tại điểm hiến máu, tôi cảm thấy người dân Mai Châu rất nhiệt tình. Tôi đặc biệt ấn tượng với một người đàn ông sau khi hiến 400ml máu đã hỏi nhân viên y tế liệu có thể hiến thêm 200ml nữa không? Thậm chí có một số cô gái đến và muốn hiến máu nhưng đã bị từ chối vì chưa đủ tiêu chuẩn về cân nặng."
Theo Phạm Trang (Phụ Nữ Số)