Gần đây, một vụ lừa đảo giá trị lớn gây chấn động dư luận Trung Quốc đã khép lại, trong đó người đàn ông từ nạn nhân dần biến thành đồng phạm tìm kiếm nhiều "con mồi" khác để "nuôi" kẻ chủ mưu suốt hơn 20 năm.
Kịch bản lừa đảo
Ông Trần, ngụ tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc là giám đốc của một công ty bất động sản ở thành phố Vô Tích. Vào năm 2012, qua sự giới thiệu của một người bạn là Lý Hà, ông đã gặp Vương Ninh và Lâm Chí Thanh. Tại văn phòng làm việc, họ Lâm bày tỏ mình có một "dự án quốc gia" siêu lợi nhuận, nhưng hiện đang thiếu vốn và hy vọng ông Trần có thể hỗ trợ chút kinh phí cho dự án và hứa hẹn thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ.
Lâm Chí Thanh tự nhận là Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền của một tỉnh ở Đông Bắc Trung Quốc. Dự án ấy nhằm "khơi thông tài sản quốc gia" nên rất an toàn, và sau khi xong việc ông Trần sẽ được trích 400 triệu tệ (tương dương 1,4 nghìn tỷ đồng) lợi nhuận.
Vụ đầu tư trên trùng hợp với gói thầu gần đây ông Trần đầu tư thất bại và cần gấp một dự án mới để bù lỗ. Ngoài ra, hai người bạn của ông là Lý Hà và Vương Ninh đều tuyên bố rằng họ cũng đã đầu tư một số tiền lớn. Lý là giám đốc điều hành cấp cao của hệ thống tài chính, còn Vương là tổng giám đốc một công ty xây dựng ở thành phố Nam Kinh. Ông Trần cảm thấy dự án này có triển vọng đầu tư và có thể bù đắp cho những khoản lỗ trước đó, vì vậy đã tin lời của Lâm Chí Thanh.
Năm 2012, Lâm Chí Thanh mang theo một chiếc hộp "ngọc cổ", bày tỏ sẽ dùng nó làm tài sản thế chấp để vay 1 triệu tệ (tương đương 3,5 tỷ đồng) từ ông Trần để xoay xở các mối quan hệ, sau đó còn phải "chạy" vài nơi để "khơi thông tài sản". Dưới danh nghĩa "đầu tư", Lâm lần lượt vay của ông Trần 17 triệu tệ (tương đương 60 tỷ đồng).
Trong gần 9 năm qua, ông Trần không những không nhận được một chút tiền lợi nhuận nào mà còn bị vướng vào kiện tụng, khiến ông phải gánh khoản nợ khổng lồ.
Ngoài ông Trần, ông Đinh và ông Châu ở thành phố Vô Tích cũng đầu tư vào dự án của Lâm. Năm 2009, ông Đinh được Lý Hà giới thiệu và chuyển khoản hơn 2,8 triệu tệ (tương đương 9,9 tỷ đồng) cho Lâm Chí Thanh. Lâm cũng đã ký một thỏa thuận cam kết với ông Đinh, sau khi xong xuôi sẽ chuyển "hoa hồng" cho ông.
Trong những lần tiếp xúc với ông Đinh, Lâm Chí Thanh tự nhận mình là giáo sư đại học có nguồn tài chính linh hoạt và ổn định. Tuy nhiên cứ hy vọng rồi lại thất vọng, vào năm 2014, ông Đinh qua đời mà không nhận được một xu lợi nhuận từ họ Lâm.
Kể từ tháng 9/2019, ông Trần bắt đầu tìm kiếm Lâm Chí Thanh, Vương Ninh và Lý Hà, song cả 3 đều bặt vô âm tín. Vào tháng 5/2020, ông Trần đã đi báo án. Sau khi nhận được trình báo của ông Trần, cảnh sát đã điều tra và bắt giữ Lâm Chí Thanh cùng đồng bọn.
Qua điều tra được biết Lâm Chí Thanh sinh năm 1953, sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường. Sau khi tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật năm 1972, Lâm ở lại trường làm giáo viên, đến năm 1982 thì được điều động về một tạp chí làm biên tập viên. Năm 1992, Lâm đến Thâm Quyến công tác tại một tờ báo. Năm 1997, Lâm Chí Thanh từ chức và ra biển làm ăn.
Năm 1998, Lâm Chí Thanh gặp một "nhân vật lớn" - người đã khiến Lâm thay đổi vận mệnh của mình.
Vì cần tiền để kinh doanh, Lâm Chí Thanh được một ông chủ của công ty bất động sản giới thiệu đến "Kim tổng". Người phụ nữ ấy tự nhận quen biết các nhà lãnh đạo cấp cao và kiếm được tiền từ việc kinh doanh ở Bắc Kinh, Thượng Hải.
Trong một khách sạn sang trọng 5 sao ở Thượng Hải, Lâm Chí Thanh đã bị "Kim tổng" dùng chiêu lừa gạt y hệt cách mà Lâm dùng để dụ dỗ các nhà đầu tư khác.
Sau hơn 20 năm, Lâm Chí Thanh không những bỏ gia đình đi biệt, mà còn từ bỏ công việc kinh doanh, trở thành "quân cờ" bị người đàn bà họ Kim lợi dụng và còn đi lừa rất nhiều người khác, kết quả phải chịu tội trong tù.
Theo lời khai của Lâm Chí Thanh, từ năm 1998, Lâm đã giúp "Kim tổng" vay gần 50 triệu tệ (tương đương 177,7 tỷ đồng), trong đó bao gồm tất cả tiền tiết kiệm của Lâm, tiền vay từ người khác, vay nặng lãi tư nhân, thậm chí gây quỹ bất hợp pháp. Lâm Chí Thanh về sau còn bịa ra nhiều danh tính giả và hứa với các nhà đầu tư "gieo 1 gặt 10".
Các nạn nhân gồm có trùm bất động sản, giám đốc điều hành tài chính, chủ công ty tư nhân... Đa số họ là giới thượng lưu trong xã hội và đều là những người thành đạt. Lý Hạ cùng đồng bọn nói rằng lý do khiến các nhà đầu tư tin tưởng vô điều kiện vào dự án dù nhiều năm không nhận lãi, đó là ngoài khoản lợi nhuận khổng lồ mà Lâm hứa hẹn, còn nhờ vẻ bề ngoài trông "có vẻ là người trung thực và đáng tin cậy" của y.
Ngư ông đắc lợi
Theo lời thú nhận của Lâm Chí Thanh, tên thật của "Kim tổng" bí ẩn là Kim Thụy Phân, khoảng 60 tuổi, quê ở Thượng Hải và có một chân bị tật.
Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện Lâm quả thực đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của một người tên Lâm Thụy Phân kể từ năm 2000. Kim là nhân vật chủ chốt trong vụ án này, tuy nhiên con đường quy án của ả thực sự quá dài.
Vào tháng 8/2020, các điều tra viên của cơ quan công an cuối cùng đã tìm được Kim trong một khu dân cư ở Thượng Hải. Trước khi kịp xác định danh tính, người đàn bà này đã nhanh tay lấy từ trong túi ra một chai nhỏ màu đen uống cạn, sau đó phun ra bọt trắng rồi ngã xuống đất co giật. May mắn thay, nghi phạm được giải cứu kịp thời nên không gặp nguy hiểm đến tính mạng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định lọ nhỏ màu đen ấy chứa thuốc trừ sâu có độc tính cao.
Qua điều tra, Kim Thụy Phân sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường ở ngoại ô Thượng Hải vào năm 1965, bị bệnh bại liệt từ nhỏ và đi lại khá khó khăn. Kể từ những năm 1990, Kim đã dấn thân vào con đường lừa đảo, ngụy tạo danh tính và tìm nhiều con tốt thí như Lâm Chí Thanh giúp mình kiếm tiền.
Kim Thụy Phân không có tài sản nào là của mình. Số tiền có được đều là do Lâm Chí Thanh cùng nhiều người khác lừa các nhà đầu tư đến mức phá sản. Còn ả ta chỉ việc vung tiền mua xe sang và tận hưởng cuộc sống xa hoa ở Thượng Hải.
Vào ngày 1/4/2021, Lâm Chí Thanh bị kết án 12 năm 6 tháng tù giam và bị phạt 500 nghìn tệ (tương đương 1,7 tỷ đồng) vì tội lừa đảo.
Trên thực tế, Lâm Chí Thanh ban đầu là nạn nhân, nhưng đến năm 2001 lại dần chuyển thành tòng phạm, chỉ có điều y không muốn tin điều đó. Và bởi vì số tiền đã bỏ ra quá lớn nên Lâm Chí Thanh vẫn mù quáng "tiếp tay cho giặc".
Trong những năm gần đây, mặc dù Trung Quốc luôn cảnh báo về hình thức lừa đảo đầu tư như trên, đồng thời cơ quan công an vẫn tiếp tục truy quét tội phạm, nhưng vẫn luôn có nhiều người sập bẫy. Trong vụ lừa đảo chấn động kéo dài hơn 20 năm của Lâm Chí Thanh, nhiều người ban đầu là nạn nhân, nhưng vì lòng tham, cuối cùng họ lại trở tội phạm. Dù đã rất thận trọng, nhưng theo thời gian họ dần bị mắc kẹt và không thể thoát ra khỏi vũng lầy...
Theo Nguyễn Dũng TT (Trí Thức Trẻ)