Sai lầm khiến tăng T-90 Nga trúng tên lửa TOW ở Syria

04/03/2016 14:10:40

Quả tên lửa TOW của phe nổi dậy Syria đã xuyên thủng hệ thống gây nhiễu được coi là bất khả xâm phạm trang bị trên xe tăng T-90 Nga nhờ các sai lầm của kíp lái.

Quả tên lửa TOW của phe nổi dậy Syria đã xuyên thủng hệ thống gây nhiễu được coi là bất khả xâm phạm trang bị trên xe tăng T-90 Nga nhờ các sai lầm của kíp lái.

Tên lửa TOW (khoanh đỏ) đang lao về phía chiếc T-90. Ảnh: RT

 
Hôm 26/2, một video do quân nổi dậy Syria đăng tải quay cảnh một tên lửa chống tăng TOW bắn trúng chiếc xe tăng T-90 của Nga đã và đang gây sốt trên mạng Internet, theo Russia Beyond the Headline.

Xe tăng T-90 sản xuất năm 1992 và phiên bản cải tiến T-90A sản xuất năm 2004 đã được Nga triển khai đến tham chiến ở Syria trong thời gian gần đây, sau khi Mỹ và đồng minh Arab Saudi tăng cường viện trợ tên lửa chống tăng TOW cho phe nổi dậy. Tên lửa TOW đã trở thành nỗi ám ảnh đối với quân đội chính phủ Syria, khi hàng loạt xe tăng T-72 của họ bị tên lửa này tiêu diệt trong các trận đánh.

Tên lửa TOW do Mỹ sản xuất rõ ràng là mối đe dọa lớn nhất đối với các xe tăng quân đội chính phủ Syria. Biến thể hiện đại TOW-2A đã được cung cấp rộng rãi cho nhiều nhóm nổi dậy ở nước này và được sử dụng phổ biến trên chiến trường.

Tên lửa TOW-2A cũng chính là vũ khí phá hủy một trực thăng Mi-8 của Nga hạ cánh trên mặt đất sau khi trúng đạn súng máy trong chiến dịch giải cứu phi công Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24/11. Tên lửa này hay bất kỳ vũ khí bộ binh nào đều có thể tấn công vào bên sườn của bất kỳ mục tiêu đang di chuyển ở tốc độ thấp gồm cả các trực thăng bay tầm thấp.

Kết quả của việc bị một tên lửa như vậy bắn ở mạn sườn hoặc phía sau là rõ ràng: Những chiếc xe tăng T-72 không được trang bị các hệ thống phòng vệ chủ động gần như không thể chống đỡ được những quả tên lửa TOW có đầu đạn nặng tới gần 7 kg.

Sự xuất hiện của tăng T-90 được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động quang điện gây nhiễu Shtora 1 đã thay đổi thực tế này. Trong những tuần qua, nhiều video được đăng lên mạng cho thấy tên lửa TOW rơi xuống đất phát nổ trước khi đến gần được tăng T-90 vì bị Shtora 1 gây nhiễu.

Shtora 1 được trang bị đèn chế áp quang học, phát ra ánh sáng bức xạ có tần số và dải sóng gần giống với nguồn sáng điều khiển tên lửa. Càng đến gần xe tăng, tên lửa càng nhận được ít tín hiệu điều khiển hơn, trong khi ánh sáng bức xạ gây nhiễu càng mạnh lên, khiến hệ thống điều khiển tên lửa bị nhiễu loạn và ra lệnh tự hủy khi nó còn cách xe tăng vài mét.
 

Đèn chế áp quang điện tử Shtora trên xe tăng T-90. Ảnh: Military

 
Theo Viktor Murakhovsky, chuyên gia vũ khí và cựu lính lái xe tăng hiện là tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva, đoạn video cho thấy chiếc xe tăng T-90 bị TOW bắn trúng là phiên bản sản xuất năm 1992, dựa vào đặc điểm tháp pháo và hệ thống chế áp quang điện tử Shtora của nó.
 
Hiện không rõ chiếc T-90 này do kíp lái người Nga hay người Syria điều khiển, nhưng điều dễ nhận thấy là họ đã mắc những sai sót cơ bản nhất khi sử dụng hệ thống vũ khí hiện đại này, và suýt phải trả giá bằng mạng sống của mình.
 
Theo Murakhovsky, sai lầm thứ nhất của kíp lái là đã không bật hệ thống Shtora trên xe, hoặc hệ thống này bị hỏng mà họ không hề biết. Khi các đèn chế áp quang điện trên xe tăng không hoạt động, tên lửa TOW dễ dàng xuyên thủng lớp phòng ngự thứ nhất của T-90 và bắn trúng mục tiêu.

Sai lầm thứ hai của kíp lái là để mở nắp tháp pháo của chiếc T-90 trong quá trình tham chiến. Tăng T-90 được trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-5 được làm bằng vật liệu tổng hợp với những miếng kim loại phản ứng nổ. Video cho thấy lớp giáp Kontakt-5 này đã hoạt động tốt khi chiếc T-90 bị trúng quả tên lửa TOW. Một tiếng nổ lớn bùng lên từ giáp phản ứng nổ, đẩy đầu đạn của TOW-2A ra khỏi xe tăng, giúp cho lớp giáp chính không bị xuyên thủng.

Sau tiếng nổ, tháp pháo xe tăng vẫn còn nguyên vẹn, hộp đạn của súng máy 12,7 ly trên xe không bị bung ra, và không có dấu hiệu nào cho thấy đạn pháo bên trong xe tăng bốc cháy. Có thể nói T-90 đã sống sót một cách ngoạn mục sau cú đòn này.

Các xe tăng của Nga được chế tạo để chịu được hầu hết các vũ khí chống tăng tấn công từ bất kỳ phương vị nào ở góc trên dưới 30 độ so với trục máy. Tuy nhiên, vì nắp tháp pháo bị mở, sóng xung kích từ vụ nổ lớn có thể đã gây chấn động mạnh cho những người ngồi trong xe tăng, và hậu quả là người lính ở tháp pháo đã phải nhảy ra ngoài, có thể là do bị sốc.
 

Người lính (khoanh đỏ) nhảy ra ngoài sau khi chiếc T-90 bị trúng tên lửa TOW. Ảnh: RT

 
Một sai lầm nữa của kíp tăng là họ không thực hiện đúng chiến thuật chiến đấu của đội hình tăng thiết giáp. Trên chiến trường, các xe tăng phải nằm trong đội hình của trung đoàn tăng và hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng bộ binh. Một xe tăng, nhất là lại đang nằm im một chỗ như chiếc T-90 trên, rất dễ trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa.

Vụ việc xảy ra ở thị trấn Sheikh-Akil phía tây bắc Aleppo nơi nhóm "Đại bàng núi Zawiya", một nhóm nhỏ nằm trong quân đoàn 5 của Quân đội Tự do Syria (FSA) đang chiến đấu. Sau phát bắn trên, quân nổi dậy rút lui với trang thiết bị của mình, chứng tỏ chiếc xe tăng nhiều khả năng đã rời đi và kíp tăng vẫn sống sót, dù hệ thống kính ngắm và kính quan sát của nó có thể bị hư hại.

Dù tăng T-90 không phải là công nghệ đột phá trong chiến tranh, hiệu quả trong hoạt động tác chiến có thể gia tăng đáng kể nếu chúng được sử dụng đúng đắn: hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh, pháo binh và không quân và tuân thủ mệnh lệnh chung chứ không phải độc lập tác chiến, ông Murakhovsky nhấn mạnh.
 
Theo Duy Sơn (VnExpress.net)

Nổi bật