Sai 1 li, Tổng thống Ukraine “đi” giữa 2 làn đạn?

20/07/2015 11:36:29

Khi giao tranh miền Đông chưa kịp nguội, bạo loạn lại bùng lên ở miền Tây, đẩy Tổng thống Ukraine vào thế mắc kẹt giữa 2 làn đạn.

Khi giao tranh miền Đông chưa kịp nguội, bạo loạn lại bùng lên ở miền Tây, đẩy Tổng thống Ukraine vào thế mắc kẹt giữa 2 làn đạn.

Theo Reuters, trận pháo kích giữa lực lượng nổi dậy miền Đông và quân đội Ukraine ngày 18/7 đã khiến 3 dân thường thiệt mạng. Phía Kiev tố cáo lực lượng miền Đông khai hỏa, và nhận định vụ giao tranh hôm thứ Bảy là đẫm máu nhất trong hơn một tháng qua.
 

Quân đội Kiev tại thành phố Mariupol, miền Đông Ukraine (ảnh: Reuters)

Trong khi đó, phe đối lập miền Đông nói rằng quân đội Ukraine bắn phá thị trấn tiền tuyến Krasnohorivka suốt đêm, khiến lực lượng này buộc phải đáp trả.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cơ quan giám sát thỏa thuận ngừng bắn, từng báo cáo không bên nào chịu rút hoàn toàn các vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực xung đột theo yêu cầu của thoả thuận hoà bình.

Hôm 17/7, người đứng đầu của OSCE Ivica Dacic mô tả một cuộc khủng hoảng nhân đạo đã trở nên tồi tệ hơn nhiều tại miền đông Ukraine và kêu gọi cả hai bên phải tuân thủ các thỏa thuận Minsk - thoả thuận mà theo ông là cơ hội duy nhất để đạt được hòa bình.

AFP đưa tin ngày 18/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phải tiến hành các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Ukraine, Mỹ và Đức trong bối cảnh tình hình giao tranh đang leo thang ở miền Đông Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, ông Lavrov đã kêu gọi quân đội Ukraine “bắt đầu phi quân sự hóa” điểm nóng xung đột tại làng Shyrokine. Theo Ngoại trưởng Nga, phe đối lập đã rút khỏi khu vực chiến lược cách cảng Mariupol 10km. Mariupol là thị trấn lớn cuối cùng trong khu vực vẫn nằm trong quyền kiểm soát của chính quyền Kiev.

Ngoài ra, ông Lavrov nhấn mạnh đến sự bất bình của Moscow khi Kiev đã bỏ qua việc mời đại diện phe đối lập miền Đông vào quá trình thảo luận về các nghĩa vụ trong thỏa thuận Minsk 2.

Theo Ngoại trưởng Nga, Ukraine cố tình lờ đi “những cam kết liên quan đến việc đối thoại trực tiếp giữa Kiev, Donetsk và Lugansk”. Điều này càng đẩy cuộc khủng hoảng miền Đông đến nguy cơ khó có thể giải quyết.

Cực hữu nhen nhóm khởi động Maidan mới

Thủ lĩnh nhóm Cựu hữu Yarosh cuối tuần qua đã lên tiếng kêu gọi lực lượng vệ binh và binh sĩ Ukraine không tuân lệnh của Tổng thống nước này.
 

Thành viên nhóm Cực hữu ở Kiev (ảnh: Reuters)

Theo RT, lời kêu gọi của ông Yarosh được đưa ra trong bối cảnh phe Cực hữu và Chính phủ Ukraine đang căng thẳng sau vụ đọ súng dữ dội giữa phe này và cảnh sát Ukraine tại miền Tây nước này.

 “Không ai có thể tước bỏ quyền tham gia cuộc chiến cuối cùng của chúng ta”, ông Yarosh tố cáo Chính phủ Ukraine là “những kẻ phản bội”.

Ông Yarosh nhấn mạnh chính quyền Ukraine là bè lũ chỉ chăm chăm kiếm tiền: “Trong khi chúng ta đổ máu bảo vệ Đất mẹ, chúng lại kiếm lợi và tìm mọi cách để kéo dài cuộc chiến càng lâu càng tốt”.

Những lời lẽ cứng rắn này được đưa ra trong bối cảnh Cơ quan An ninh Ukraine và lực lượng vệ binh quốc gia nước này đang đẩy mạnh các chiến dịch trấn áp phe Cực hữu hiện đang giao tranh ác liệt với cảnh sát tại thị trấn miền Tây Mukacheve.

Phe Cực hữu đã từ chối từ bỏ vũ khí nếu không có mệnh lệnh từ thủ lĩnh của họ. Trong khi đó, thường dân tại đây đã phải đi sơ tán và các cuộc đàm phán giữa phe Cực hữu và Chính phủ Ukraine đều đã thất bại.

Trước đó, ngày 13/7, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ra lệnh cho lực lượng an ninh nước này giải giáp vũ khí của các tổ chức vũ trang phi pháp. Tuy nhiên, phe này đáp trả rằng lệnh này không thể áp dụng với họ vì họ là một tổ chức tình nguyện.

“Tuyên bố của ông Poroshenko chỉ nhắm vào những tổ chức vũ trang phi pháp tức là lũ trộm cướp. Chúng ta không phải là những người như vậy, chúng ta là một tổ chức vũ trang tình nguyện của Ukraine có nhiệm vụ bảo vệ sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, người phát ngôn phe Cực hữu Artem Skoropadsky nhấn mạnh.

Vì sao Kiev – Cực hữu quay ngoắt với nhau?

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko có lẽ không bao giờ có thể ngờ tới viễn cảnh một ngày nào đó phải đối mặt với sự quay ngoắt của chính những đồng minh từng sát cánh bên ông trong cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Yanukovych và cuộc chiến ở miền Đông.
 

Tổng thống Ukraine đau đầu với "đồng minh" một thời (ảnh: Pravda.Ru)

Nhóm Cực hữu nổi lên là một liên minh của những thành phần chủ nghĩa dân tộc quá khích, cực đoan được thành lập năm 2013. Nhóm này đóng vai trò chủ chốt trong lực lượng thực hiện cuộc nổi dậy Maidan, giúp ông Poroshenko giành được chính quyền sau khi lật đổ được cựu Tổng thống Yanukovych trong cuộc đảo chính hồi tháng 2/2014.

Những chiến binh chủ chốt của Cựu hữu sau đó cũng trở thành lực lượng nòng cốt của quân đội Ukraine, tham gia vào cuộc nội chiến với lực lượng miền Đông ròng rã hơn 1 năm qua.

Tuy nhiên, sự chia rẽ sâu sắc giữa các đội quân tình nguyện và lực lượng vũ trang Ukraine đã gia tăng nhanh chóng sau khi Tổng thống Poroshenko tìm cách thúc đẩy thực hiện thoả thuận Minsk 2. Trong thoả thuận này có điều khoản cho phép cấp chế độ tự trị một phần cho phe đối lập miền Đông và đây là điều mà lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan như nhóm Cực hữu phản đối.

Hồi tháng 9/2014, hàng trăm người Cực hữu đã bao vây dinh thự của Tổng thống Ukraine và ném lựu đạn khói. Họ yêu cầu ông Poroshenko từ chức vì Quốc hội Ukraine lúc đó vừa thông qua dự luật cấp quy chế đặc biệt cho các khu vực miền Đông.

Trước đó, hồi tháng 8/2014, những người thuộc phe Cực hữu từng đòi Tổng thống Poroshenko cách chức một số sĩ quan cấp cao trong Bộ Nội vụ với cáo buộc những quan chức này ngược đãi các thành viên của họ.

Vụ đấu súng trên phố tuần trước giữa phe Cực hữu với cảnh sát Ukraine được giải thích là do nhóm này phản đối hoạt động buôn lậu của một số chính khách trong Bộ Nội vụ và lực lượng an ninh địa phương ở miền Tây.

Chính phủ Ukraine gần như im lặng trước cuộc khủng hoảng mới ở miền Tây trong khi Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk dường như đứng về phía nhóm Cực hữu.

Nhiều nhà phân tích nhận định, các thành phần cực đoan ở Ukraine như nhóm Cực hữu sẽ còn tiếp tục quấy phá nhằm ngăn chặn nỗ lực của Tổng thống Poroshenko trong việc tái thiết lại hoà bình ở miền đông Ukraine.

Các nhóm cực đoan hiện tại được xem là mối đe dọa đáng sợ đối với chính quyền Kiev, đẩy Tổng thống Poroshenko vào thế đối đầu với một làn đạn mới nếu không nhanh chóng tìm ra một cách ứng xử linh hoạt và khéo léo.
 
Theo Ngân Giang (VOV.vn)

Nổi bật