Tiếp tục với Gepard-3.9, SIGMA-9814 hay chuyển hướng?
Hải quân Việt Nam mới đây đã tiếp nhận vào trang bị đủ 4 chiến hạm 2.000 tấn Gepard 3.9 do Nga sản xuất. Hiện tại nhu cầu của chúng ta đối với một lớp chiến hạm có lượng giãn nước tương tự để duy trì sự hiện diện dài ngày tại các vùng biển xa là điều cấp thiết.
Trong số các ứng viên thì cửa sáng nhất theo đánh giá thuộc về bản nâng cấp của chính Gepard 3.9 hay dự án "treo" mang tên SIGMA 9814.
Tuy nhiên phương án đầu tiên chưa thực sự khả thi liên quan tới tiến độ đóng tàu mất khá nhiều thời gian của đối tác, trong khi chiếc SIGMA lại có khó khăn là vũ khí của nó do nhiều nhà cung cấp khác nhau, phức tạp trong việc tích hợp trên một nền tảng duy nhất.
Đề xuất tiếp theo đó là Việt Nam có thể tái khởi động dự án KBO 2000 với cấu hình vũ khí mạnh hơn, nhưng muốn làm điều này chúng ta cũng phải yêu cầu bên thiết kế chỉnh sửa, hơn nữa nó vẫn không phải một con tàu được đóng theo dạng module tiên tiến.
Chính vì vậy, nên chăng Việt Nam hãy lựa chọn bản thiết kế khác của một đối tác quốc phòng rất thân thiết trong thời gian gần đây, đó chính là Sa'ar 6 của Israel.
Sa'ar 6 - ứng viên sáng giá cho Hải quân Việt Nam?
Vào tháng 5 năm 2015, Hải quân Israel đã ký hợp đồng với German Naval Yards Holdings và Thyssen Krupp Marine Systems của Đức để đóng mới 4 tàu hộ vệ tên lửa hạng trung lớp Sa'ar 6 dựa trên thiết kế cơ sở lớp Braunschweig với cấu hình vũ khí mạnh hơn.
Dự kiến Hải quân Israel sẽ nhận được chiếc Sa'ar 6 đầu tiên vào năm 2019, giá thành chế tạo mỗi chiếc lên tới 480 triệu USD, trong đó Israel chịu 2/3 chi phí, 1/3 còn lại sẽ do chính phủ Đức chi trả tương tự như trường hợp tàu ngầm tấn công lớp Dolphin.
Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là lớp chiến hạm lớn và mạnh mẽ nhất của Quốc gia Do Thái, đảm nhiệm chức năng như một lá chắn tên lửa ngoài khơi (tương tự các chiến hạm Aegis) để chống lại các cuộc tấn công từ những nước Arab thù địch.
Chiếc Sa'ar 6 có chiều dài chỉ 90 m, chiều rộng 13,5 m, lượng giãn nước 2.000 tấn nhưng số lượng vũ khí của nó mang theo ở mức khổng lồ so với những chiến hạm cùng kích cỡ.
Cảm biến chính của tàu là radar mảng pha quét điện tử chủ động EL/M-2248 MF-STAR gồm 4 mảng radar quay về 4 hướng, có tầm trinh sát lên tới 250 km, cung cấp mức độ nhận thức tin cậy về các nguy cơ xung quanh.
Vũ khí của tàu bao gồm 1 pháo hạm Oto Melara Super Rapid cỡ 76,2 mm có khả năng bắn đạn có điều khiển Vulcano với tầm xa lên tới 40 km đi kèm 2 bệ pháo điều khiển từ xa Typhoon 25 mm.
Kho tên lửa trên tàu bao gồm 32 ống phóng thẳng đứng (VLS) tương thích tên lửa phòng không tầm trung Barak-8 có tầm bắn 70 km, tốc độ Mach 2, tối ưu hóa cho việc bắn hạ tên lửa hành trình chống hạm bay bám biển.
Tiếp theo là 40 ống VLS khác của tên lửa đánh chặn Tamir thuộc hệ thống C-Dome (phiên bản hải quân của Iron Dome), đạn Tamir có chiều dài 3 m, trọng lượng 90 kg, lắp ngòi nổ cận đích và có giá 40.000 USD/quả. Đây là át chủ bài của thế trận phòng thủ nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng đạn pháo hay rocket vào trong lãnh thổ Israel.
Bên cạnh đó, một vũ khí khác không thể bỏ qua đó là 16 tên lửa hành trình chống hạm cận âm có thể là loại RGM-84 Harpoon hay Gabriel do chính Israel sản xuất.
Sàn đáp và nhà chứa máy bay phía sau tàu cho phép tiếp nhận và mang theo 1 chiếc trực thăng MH-60 trong các chuyến hải trình dài. Năng lực chống ngầm của tàu trông chờ vào 6 ngư lôi hạng nhẹ cỡ 324 mm.
Có thể nhận thấy lượng vũ khí mà chiếc Sa'ar 6 mang theo là vô địch trong phân khúc chiến hạm hạng trung cỡ 2.000 tấn, điều này có được là do các loại đạn tên lửa do Israel nghiên cứu chế tạo được tối ưu hóa kích thước, giúp tích hợp lên các nền tảng không quá đồ sộ.
Ngoài phục vụ nhu cầu của chính Hải quân Israel, lớp chiến hạm tàng hình cực kỳ tiên tiến này còn được dự báo sẽ trở thành món hàng đắt khách trên thị trường vũ khí trong tương lai không xa.
Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Israel thời gian qua vẫn tiếp tục được thắt chặt, Tel Aviv cũng nổi tiếng "chịu chơi" khi sẵn sàng cung cấp nhiều công nghệ lõi cho khách hàng, bởi vậy nếu chúng ta muốn sở hữu lớp Sa'ar 6 có lẽ cũng không phải là điều quá khó khăn.
Tuy nhiên nếu đặt mua, Việt Nam có thê yêu cầu thực hiện một số chỉnh sửa nhỏ như loại bỏ hệ thống C-Dome vì chưa cần thiết và cũng để tiết kiệm một lượng không nhỏ ngân sách phải chi.
Theo Nam Đồng (Soha/Thời Đại)