Mới đây, Tòa án quận Daegu, Seoul, Hàn Quốc, đã tiến hành xét xử một vụ án thương tâm, trong đó, người bị giết hại là một người đàn ông trung niên còn bị cáo là cụ ông 80 tuổi (gọi là A) cũng chính là cha ruột của nạn nhân.
Sự việc xảy ra vào ngày 2/4 vừa qua, tại ngôi nhà nơi gia đình ông A sinh sống. Được biết, cụ ông này được bệnh viện chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ nên từ năm 2011, ông đã được gia đình gửi vào trung tâm chăm sóc người già. Nhiều tháng trước, con trai ông A có điều kiện nên mong muốn được tận tay chăm sóc bố mình nên đã làm thủ tục đưa cha trở về nhà sống cùng với mẹ con anh.
Tưởng rằng sau 10 năm xa cách, gia đình anh khi được đoàn tụ với nhau sẽ vui vẻ và hạnh phúc lắm. Thế nhưng, tối ngày hôm đó, bi kịch đã xảy ra khi ông A ra tay sát hại chính con đẻ của mình trong lúc nạn nhân đang ngủ say.
Theo điều tra của cảnh sát, ông A hoàn toàn không có nhu cầu trở về nhà sau thời gian dài quá quen với môi trường sống ở trung tâm. 1 ngày trước khi xảy ra vụ án, ông đã bị con trai cưỡng chế đưa về nhà. Vì quá bức xúc khi mọi chuyện không được như ý muốn, ông A đã ra tay đoạt mạng con trai của mình.
Vợ ông là người chứng kiến mọi chuyện từ đầu đến cuối nhưng không thể ngăn cản hành vi tội ác của chồng. Sau khi thấy con trai bị đâm chết, bà đã gọi báo cảnh sát và trong quá trình đó đã bị ông A lao đến đánh vào mặt nhiều lần.
Tại phiên tòa xét xử, luật sư bào chữa của ông A cho biết: "Thân chủ của tôi không nhớ về những gì mình đã làm. Ông ấy chỉ nói: 'Nếu tôi thật sự đã làm vậy thì tôi nên phải bị tử hình để đền tội'".
Thẩm phán nói rằng dù bị cáo không nhớ nhưng không thể phủ nhận đó là một tội ác kinh khủng, đáng xấu hổ và gây ra thiệt hại lớn về mạng người cũng như tinh thần của người ở lại. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo đã lớn tuổi, tinh thần và thể chất yếu ớt do sa sút trí tuệ, khả năng phân biệt đối tượng và đưa ra ra quyết định còn yếu nên dẫn đến tội ác, tòa kết án bị cáo 2 năm 6 tháng tù giam.
Ngoài ra, tòa án còn yêu cầu ông A bị giám sát và quản chế sau khi mãn hạn tù.
Vụ án này khép lại để lại trong lòng nhiều người không ít suy nghĩ. Người con trai mất mạng vì lòng hiếu thuận của mình nhưng lại không tìm hiểu kỹ lưỡng mong muốn của cha. Trong khi người cha vì căn bệnh của người già mà tước đi tính mạng của con trai. Người đau khổ nhất trong vụ án này hẳn không ai khác chính là vợ ông A và mẹ của nạn nhân.
Theo Thái Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)