Sau khi thi thể cô được hỏa táng, nhân viên nhà tang lễ đã đánh cắp tro cốt để bán cho một gia đình ở địa phương để làm lễ "kết hôn" và chôn cùng con trai đã chết của họ.
Cảnh sát địa phương sau đó bắt giữa ba nhân viên làm việc tại nhà tang lễ bị cáo buộc liên quan tới vụ đánh cắp tro cốt. Giới chức cũng cam kết sẽ tiếp tục truy quét những đối tượng liên quan đến việc tổ chức "âm hôn" và sẽ mở cuộc điều tra nhắm vào các cơ sở tổ chức tang lễ trên địa bàn.
Vụ án dù đã khép lại nhưng cũng cho thấy rằng tục lệ "âm hôn" rùng rợn vẫn còn tồn tại ở một số địa phương tại Trung Quốc, dù giới chức đã nhiều lần điều tra, truy quét.
Mục đích của nghi lễ "âm hôn" là tìm bạn đời cho người đã chết. Một số người cao tuổi ở Trung Quốc vẫn còn tin rằng một người khi chết chưa thực hiện được ước nguyện của mình, chẳng hạn kết hôn, thì sẽ không được yên nghỉ, thậm chí có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới người sống.
"Âm hôn" ở Trung Quốc bị cấm từ lâu, nhưng theo một số thư tịch cổ vẫn được thực hiện bí mật ở một số nơi. Khi nam giới hoặc nữ giới qua đời mà chưa thể kết hôn, cha mẹ họ đôi lúc thuê một người mai mối để giúp họ "kết hôn" với những người đã chết khác rồi chôn thi thể cùng nhau. Nghi lễ này vẫn còn tồn tại ở một số làng quê vùng sâu vùng xa, đặc biệt ở miền Bắc Trung Quốc, theo SCMP.
Nghi thức "âm hôn" gần giống như đám cưới của người sống, theo SCMP. Cha mẹ của người chết sẽ nhờ mai mối tìm kiếm "bạn đời" cho con cái họ. Họ cũng sẽ hỏi gia đình người được chọn về nghề nghiệp, độ tuổi và yêu cầu xem ảnh để đảm bảo phù hợp. Sau đó, hai gia đình sẽ tổ chức đám cưới, khai quật thi thể người đã chết và chôn cùng nhau trong một ngôi mộ mới.
Thi thể phụ nữ dùng để làm nghi thức "âm hôn" thường được định giá bởi nhiều yếu tố như độ tuổi, hài cốt còn nguyên vẹn hay không, hình thức bề ngoài khi còn sống và lai lịch xuất thân, theo China News Weekly. Một phụ nữ tử vong vì bệnh tật có thể có giá cao hơn người qua đời vì tai nạn giao thông.
Do các bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một thi thể để kết hon với con cái đã chết của mình, thị trường "mai mối âm hôn" mọc lên rất nhanh.
Một mai mối có 30 năm kinh nghiệm tiết lộ với China News Weekly rằng thị trường này rất phát triển trong những năm gần đây. Hồi thập niên 1990, một lần mai mối "âm hôn" có phí 5.000 nhân dân tệ, nhưng chỉ 10 năm sau con số này tăng gấp 10. Tới thập niên 2010, bỏ ra 100.000 nhân dân tệ cũng chỉ đủ để tìm một mai mối cơ bản, còn tới năm 2016 chi phí có thể lên đến hơn 150.000 nhân dân tệ.
Dần dần, các vụ trộm cắp hài cốt và thậm chí giết người đã xảy ra để phục vụ nhu cầu tổ chức "âm hôn". Một số gia đình liên lạc với bệnh viện hoặc cơ sở tang lễ, chi tiền cho nhân viên các cơ sở này để có thi thể tổ chức "âm hôn".
Theo China News Weekly, từ 2013 tới 2016, 27 thi thể nữ giới đã bị khai quật và lấy trộm từ mộ của họ ở một thị trấn nhỏ tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin về một vụ án ở tỉnh Cam Túc, khi một người đàn ông bị cáo buộc giết hại hai người phụ nữ bị bệnh tâm thần để bán thi thể của họ cho những người tổ chức "âm hôn". Người này sau đó bị kết tội và bị tuyên án tử hình.
Giới chức Trung Quốc đã nỗ lực điều tra, truy quét những vụ việc như vậy trong hời gian gần đây. Theo luật hình sự Trung Quốc, những người đánh cắp, xâm hại thi thể người chết có thể bị tuyên án tối đa ba năm tù giam. Giới chức các địa phương cũng nhiều lần cảnh báo và tổ chức truy quét.
Tuy vậy, giới chuyên gia pháp lý Trung Quốc cho rằng việc chỉ hạn chế người bán là không đủ mà cần có động thái nhắm vào người mai mối và người mua, theo SCMP.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)