Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu, Chen, 24 tuổi, cho biết: "Giờ đây có lẽ tôi phải làm việc để kiếm tiền trả học phí cho cha mẹ tôi".
Chen cho biết cha cô, 48 tuổi, được chấm 386/500 điểm trong bài kiểm tra sơ bộ cho kỳ thi đầu vào đào tạo sau đại học của Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, mẹ cô, 46 tuổi, được hơn 390 điểm.
Cả hai đều thi vào Đại học Trùng Khánh và đã được tuyển vào vòng phỏng vấn.
Trong khi đó, Chen chỉ được chấm khoảng 300 điểm, không đủ vào trường mà cô chọn, theo trang tin Dumiao Caijing.
Sau khi tốt nghiệp, Chen đã đi làm hai năm, sau đó tiếp tục chuẩn bị cho kỳ thi đào tạo sau đại học như cha mẹ cô khuyến khích. Chen sau đó mời cha mẹ cùng ôn thi và thi với cô, để họ hiểu "người trẻ hiện nay đối mặt với áp lực học hành nhiều hơn trước đây". Để hiểu con hơn và cũng để con tự tin hơn, cha mẹ Chen đồng ý.
Chen cho biết cha mẹ cô thời trẻ đều học rất giỏi và luôn nghiêm khắc yêu cầu cô chú ý học hành từ khi còn nhỏ. Tuy vậy, sau khi nhận được kết quả thi, cả hai đều khuyên cô "bỏ qua".
Người dùng mạng xã hội Trung Quốc tỏ ra hứng thú với câu chuyện của Chen.
"Làm việc chăm chỉ để trả học phí cho cha mẹ cô nhé," một người nói đùa.
"Đây là cách cha mẹ cô nói, 'Thi trượt thì đừng đổ lỗi cho bố mẹ," một người khác bình luận.
Các kỳ thi sau đại học của Trung Quốc có tính cạnh tranh cao. Năm 2023, 4,74 triệu người tham gia các kỳ thi dù số lượng tuyển sinh chỉ là 760.000 người, theo báo cáo của New Oriental Education & Technology Group.
Năm 2021, một người mẹ 51 tuổi tại thành phố Trùng Khánh cùng ôn thi sau đại học với con gái 25 tuổi, và cả hai đều trúng tuyển, bắt đầu nhập học hồi năm ngoái khiến cộng đồng mạng ngưỡng mộ.
Linh Giang (Nguoiduatin.vn)