Robot chiến đấu này có thể diệt gọn các dòng xe thiết giáp, xe tăng hiện đại và thậm chí là các phương tiện bay cơ động chậm trên không.
"Chúng tôi phát triển dự án tên lửa chống tăng mới cách đây không lâu và đó là kết quả đạt được. Quá trình sản xuất đạn tên lửa mới sẽ được thực hiện ngay khi quy trình kỹ thuật được hoàn thiện", đại diện nhà sản xuất - ông Andrey Anisimov cho biết.
Bogomol được Belarus tự nghiên cứu và phát triển và không dựa vào bất cứ nguồn nào từ bên ngoài. Tổ hợp Bogomol sử dụng phương thức dẫn đường hỗn hợp giữa chỉ thị bằng sóng radio và dây dẫn giúp tăng khả năng kháng nhiễu và tỷ lệ tấn công chính xác mục tiêu.
Tổ hợp Bogomol có thể đáp ứng được nhiệm vụ tác chiến trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết. Bogomol có thể tích hợp lên xe tăng, bọc thép theo khối module nặng khoảng 1.850 kg. Để có được khả năng này bởi Bogomol được thiết kế để tích hợp trên nhiều nền tảng khác nhau.
Điều làm nên sự đặc biệt của Bogomol là bệ phóng được đặt riêng biệt trên một khung cơ động tự hành để đảm bảo an toàn cho kíp xạ thủ. Bệ phóng này có thể liên kết không dây với trung tâm điều khiển ở khoảng cách 300 m. Ngay sau khi khai hỏa, bệ phóng có thể tự cơ động tới vị trí mới để tránh nguy cơ bị phản pháo.
Dù có kích thước khá khiêm tốn nhưng khi khai hỏa, đạn của tổ hợp Bogomol có thể diệt gọn các dòng xe chiến đấu, xe tăng hiện đại và thậm chí là các phương tiện bay cơ động chậm trên không. Mặc dù vậy, thông số cụ thể của tổ hợp này vẫn được nhà sản xuất Belarus bảo mật.
Robot chiến đấu của Nga |
Trước đó, Quân đội Nga đã đạt được nhiều tiến bộ vững chắc trong việc sử dụng người máy và xe chiến đấu không người lái phục vụ hoạt động quân sự. Bộ Quốc phòng Nga đã tích cực phát triển một loạt nền tảng robot tự động, trong đó có các xe bộ binh không người lái (UGV) đầy uy lực.
Chuyên gia quân sự Samuel Bendett cho rằng hầu hết các loại UGV vẫn đang trong giai đoạn thiết kế, thử nghiệm và đánh giá, nhưng chúng đã được biên chế cho các lực lượng vũ trang Nga. Robot rà phá mìn Uran-6 đang tham gia hỗ trợ lực lượng công binh Nga dò mìn, thiết bị nổ tự chế (IED) và bom chưa nổ tại các khu vực ở Syria.
Được thiết kế để hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, Uran-6 đã triển khai thành công trên chiến trường và hoạt động ở Syria được gần một năm. Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga có thể đã bắt đầu mời chào loại robot này cho khách hàng tiềm năng.
Biến thể lớn hơn của Uran-6 là xe bọc thép Uran-9 lại được thiết kế cho nhiệm vụ chiến đấu, nặng 10 tấn, trang bị pháo 30 mm, súng máy 7,62 mm và tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM). Robot sát thủ này đã được triển khai đến Syria để hỗ trợ bộ binh Nga, thậm chí có nguồn tin cho rằng quân đội Syria đã sử dụng UGV mua từ Nga trong các chiến dịch gần đây.
Robot "Platforma-M" có mục đích thu thập thông tin tình báo và trinh sát cũng được biên chế cho các lực lượng vũ trang Nga, điển hình là Hạm đội Thái Bình Dương. Nó được trang bị 1 súng máy 7,62 mm và 4 ống phóng lựu để hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, có nhiệt độ dao động từ -30 đến 50 độ C ở khu vực Bắc Cực hoặc sa mạc.
Theo Lê Cao (VietQ.vn)