Việc bắt giữ một quan chức cấp cao gần đây của Bắc Kinh gửi đi tín hiệu, một nhân vật có tầm ảnh hưởng cực lớn có thể đang nằm trong tầm ngắm của Chủ tịch Tập Cận Bình và sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng "đả hổ diệt ruồi".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi với ông Vương Kỳ Sơn - người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sau lễ khai mạc cuộc họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc gọi tắt là Chính hiệp ngày 3.3. |
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 30.5 công bố bắt giữ Li Yunfeng, Phó Chủ tịch tỉnh Giang Tô. Li bị bắt vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng - cụm từ được nhà chức trách Trung Quốc dùng để ám chỉ hành vi tham nhũng.
Ông Li cũng là một ứng viên sáng giá của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và được cho là sẽ thăng tiến xa nếu không trở thành "nạn nhân" trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của ông Tập Cận Bình.
Li Yunfeng, Phó Chủ tịch tỉnh Giang Tô. |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng ngay khi vừa nhậm chức năm 2012. Người được ông Tập tin tưởng, giao nhiệm vụ dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng là ông Vương Kỳ Sơn. Điều này khiến ông Vương Kỳ Sơn - người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành nhân vật quyền lực, đứng "dưới một người, trên vạn người".
Điều đáng chú ý là, vụ bắt giữ Phó Chủ tịch tỉnh Giang Tô thổi bùng lên câu hỏi, Vương Kỳ Sơn đang ở đâu?
Ông Vương đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 20.4. Như vậy, tại thời điểm ông Li bị bắt, chiến lược gia của chiến dịch chống tham nhũng đã biến mất hơn 1 tháng.
Nhiều đồn đoán cho rằng, ông Vương có thể đang bận rộn chuẩn bị phía sau hậu trường cho chiến dịch bắt giữ một con hổ cực lớn khác. Chiến dịch này đã được khởi động bằng việc bắt giữ Phó Chủ tịch tỉnh Giang Tô Li Yunfeng.
"Ông Tập Cận Bình đang nhắm bắt con hổ cực lớn. Một chuyện chấn động có thể sắp xảy ra", tờ báo Nikkei của Nhật bình luận.
Một mũi tên trúng 2 đích
Phó Chủ tịch tỉnh Giang Tô Li Yunfeng sinh ra ở thành phố Trấn Giang thuộc tỉnh Giang Tô, cùng quê với Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều.
Ông Li cũng là cánh tay phải của ông Lý Nguyên Triều, người từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô, nay là Phó Chủ tịch nước, thành viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Lý Nguyên Triều, cũng sinh ra ở Giang Tô. Do đó, Giang Tô là thành trì chính trị của ông Lý, người hiện là thành viên chủ chốt của phái Đoàn Thanh niên, một lực lượng chính trị lớn trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc lâu nay đều hiểu có một quy định bất thành văn rằng, “tu dưỡng cả đời không bằng vào Đoàn Thanh niên một năm”.
Li Yunfeng thăng tiến trên quan lộ cũng nhờ phái Đoàn Thanh niên của Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều.
Theo đó, việc trợ lý thân tín bị bắt giữ vì tội tham nhũng chắc chắn gây ra cú sốc lớn đối với ông Lý Nguyên Triều.
Nhiều nhà quan sát chính trị ở Bắc Kinh nhận định, rất có thể, con hổ cực lớn mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nhắm tới là ông Lý Nguyên Triều.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều |
Ngoài ra, Li Yunfeng còn cùng quê và là người gần gũi với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Được biết, khi ông Giang nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc, Li giữ chức Phó Tổng thư ký của Đảng bộ tỉnh Giang Tô và thường xuyên tham vấn ý kiến của ông Giang về các vấn đề quan trọng của địa phương. Kể từ khi nghỉ hưu, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân được cho là vẫn duy trì ảnh hưởng chính trị rất lớn.
Ông Giang sinh ra ở thành phố Dương Châu, vốn được ngăn cách với Trấn Giang bởi sông Dương Tử.
Theo Nikkei, Trấn Giang theo nghĩa đen có nghĩa là "Đưa Giang Trạch Dân vào tầm kiểm soát, hạn chế quyền lực của Giang Trạch Dân". Cuối năm 2014, Chủ tịch Tập từng có chuyến kiểm tra bí mật tới Trấn Giang.
Báo Nhật nhận định, chuyến kiểm tra bí mật tới Trấn Giang khi đó của ông Tập là nhằm chứng minh quyết tâm mạnh mẽ của ông trong việc chống lại ảnh hưởng mạnh mẽ của ông Giang Trạch Dân. Theo đó, những nhân vật thân tín của ông Giang đều bị nhắm mục tiêu. Li Yunfeng vì thế mà bị bắt.
Giới phân tích nhận định, bằng cách giam cầm "con hổ" Giang Tô, Li Yunfeng, ông Tập đang gây sức ép mạnh mẽ với phe Giang Trạch Dân, được gọi là phe Thượng Hải, cũng như phái Đoàn Thanh niên. Ông Tập đang muốn ngăn chặn hai phe phái trên hình thành liên minh chống lại ông.
Phe Thượng Hải, cũng như phái Đoàn Thanh niên đều có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Giang Tô. Và đây là lý do vì sao Giang Tô một lần nữa trở thành của "điểm nóng" trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập.
Trước đó, cựu trùm an ninh Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, một cựu thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, thuộc phe Thượng Hải do cựu Chủ tịch Giang dẫn đầu, đã bị bắt giữ và lĩnh án chung thân với nhiều tội danh như tham nhũng, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật nhà nước. Ông Chu Vĩnh Khang cũng sinh ra ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Ngoài ra, ông Yang Weize, một cựu quan chức hàng đầu ở thành phố Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, cũng đã bị thanh trừng. Yang Weize là thân tin của cả ông Giang lẫn ông Chu.
Theo Đông Dương (Dân Việt)