Theo chia sẻ hôm 30/5 của vị quan chức Mỹ với tờ Politico, Tổng thống Joe Biden hiện vẫn duy trì lệnh cấm Ukraine sử dụng các loại vũ khí Mỹ để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
“Tổng thống gần đây đã chỉ đạo nhóm của mình đảm bảo Kiev có thể sử dụng vũ khí của Mỹ cho mục đích phản công ở Kharkiv, để Ukraine có thể đáp trả các lực lượng Nga đang tấn công, hoặc chuẩn bị tấn công họ”, quan chức Mỹ nói.
Cũng theo Politico, quyết định này đã được “bí mật” thông báo cho Ukraine một thời gian trước khi được xác nhận chính thức.
Trên thực tế, chỉ đạo của ông Biden sẽ cho phép Ukraine sử dụng các loại vũ khí tầm xa của Mỹ nhưng không phải là tên lửa ATACMS mà Washington đã lặng lẽ chuyển đến Kiev hồi đầu tháng 4 để tấn công một dải lãnh thổ của Nga nằm giáp với vùng Kharkov. Thời gian gần đây, Nga đã giành được quyền kiểm soát hàng chục thị trấn và làng mạc ở vùng Kharkov của Ukraine.
Ukraine trước đây từng sử dụng những thị trấn và làng mạc này để tiến hành các vụ tấn công bằng pháo binh, máy bay không người lái (UAV), và tên lửa vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, việc các lực lượng Nga tiến vào vùng Kharkiv đã buộc quân đội Ukraine phải từ bỏ các vị trí này, và không thể tấn công các mục tiêu ở các vùng biên giới của Nga như Belgorod.
Theo vị quan chức Mỹ, quyết định của Tổng thống Biden vẫn “không thay đổi” lệnh cấm của Mỹ ngăn Ukraine tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Theo New York Times và Politico, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đều muốn ông Biden chấp thuận cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào Nga. Bởi một số nước NATO như Anh, Pháp và Đức đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ khi thấy phù hợp.
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc “vũ khí Mỹ đã được sử dụng để tấn công nhiều mục tiêu bên ngoài vùng xung đột. Chúng tôi đưa ra kết luận từ thực tế là vũ khí của Mỹ và các nước phương Tây đã tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, mà chủ yếu là cơ sở hạ tầng dân sự và khu dân cư”.
Trước một ngày ông Lavrov phát biểu, Ukraine đã sử dụng tên lửa ATACMS tấn công và khiến 2 người thiệt mạng ở bán đảo Crưm, khu vực thuộc Ukraine nhưng đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2014. Trên thực tế, Mỹ không công nhận bán đảo Crưm là lãnh thổ của Nga, nên không cấm Ukraine thực hiện các cuộc tấn công như vậy.
Theo Minh Thu (VietNamNet)