Rắc rối của tòa nhà cao nhất thế giới - Burj Khalifa

19/11/2015 15:00:18

Được xem là công trình đẩy lùi các giới hạn trong kiến trúc và xây dựng, Burj Khalifa giờ đây cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong lòng Dubai và của riêng mình để tồn tại.

Được xem là công trình đẩy lùi các giới hạn trong kiến trúc và xây dựng, Burj Khalifa giờ đây cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong lòng Dubai và của riêng mình để tồn tại.

Hình dạng của Burj Khalifa được mô tả là lấy cảm hứng từ những bông hoa ba cánh của sa mạc. ​Thực tế, sau khi hoàn thành, nó được miêu tả là "thành phố thẳng đứng" hoặc "cây kim nhọn".

Công trình mất tới 5 năm để hoàn thành với lượng nhân công khoảng 12.000 người. Tốc độ xây dựng của Burj Khalifa nhanh đến mức có những thời điểm, cứ sau 3 ngày là một tầng mới lại được xây xong.

Chiều cao khủng khiếp của Burj Khalifa khiến cuộc sống của những người ở tầng cao nhất và thấp nhất khác biệt rất lớn. Nhiệt độ chênh lệch từ 5-10 độ C, thời gian đón mặt trời mọc và lặn cách nhau cả tiếng đồng hồ... Thậm chí, vào những ngày trời mây mù, những người làm việc tại các tầng cao nhất không thể nhìn thấy thành phố dưới chân họ.

Burj Khalifa đã có 6 năm giữ ngôi vị tòa nhà cao nhất thế giới. Ảnh: Burj Khalifa.

Dù mỗi năm trên thế giới có hàng trăm công trình chọc trời được xây dựng nhưng suốt 6 năm qua, Burj Khalifa vẫn giữ vững ngôi vương của mình, bất chấp tham vọng về tòa tháp cao 1.000m cũng của Dubai đã được lên kế hoạch. Tuy nhiên, công trình đẩy lùi các giới hạn trong kiến trúc và xây dựng này vẫn phải chật vật để vượt qua những rào cản của riêng nó, trên con đường thành hình, cũng như khi chính thức được đưa vào khai thác.

Vốn có tên khai sinh là Burj Dubai (Burj trong tiếng Ả Rập có nghĩa là tháp), Burj Khalifa đã chứng khiến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2007-2010, và cuộc khủng hoảng nợ của chính quốc gia sáng tạo ra nó.

Năm 2008, ngành dịch vụ của Dubai - đến từ sức hút của những công trình nhân tạo chọc trời và các dự án bất động sản không tưởng - đóng góp tới 95% GDP của quốc gia vùng Vịnh. Burj Khalifa được triển khai đúng vào thời kỳ thị trường bất động sản của Dubai hưng thịnh nhất, và nó được xây nên từ tiền vay của nước ngoài.

Xuất phát từ việc tập đoàn bất động sản quốc doanh Dubai World xin khất nợ 58 tỷ USD vào năm 2009, quả bóng địa ốc Dubai xẹp dần. Thế giới khi đó cũng đối mặt cuộc khủng hoảng tài chính, khiến nguồn cứu cánh là vốn đầu tư nước ngoài vào tiểu vương quốc này sụt giảm mạnh. Chính quyền Dubai tìm mọi cách tiếp tục thu hút đầu tư, song không thành công.

Nợ của Dubai vào quý cuối cùng của năm 2009 lên tới 80 tỷ USD, ngành công nghiệp du lịch (chiếm 20% GDP của tiểu vương quốc này) cũng thất thu nghiêm trọng, trong khi giá địa ốc tại đây sụt giảm 47% và nhiều công trình bị bỏ dở vì thiếu tiền.

Theo kế hoạch, Burj Khalifa sẽ được hoàn thành vào tháng 12/2008, nhưng phải tới hơn 1 năm sau, tòa nhà mới chính thức khánh thành. Ảnh: Burj Khalifa.

Vốn là công trình thuộc dự án bất động sản trị giá 20 tỷ USD do công ty quốc doanh Emaar Properties của Dubai đầu tư, Burj Khalifa lẽ ra cũng chịu chung số phận với nhiều công trình khác khi đó - nghĩa là bị đình trệ thi công vô thời hạn. Bởi cuộc khủng hoảng nợ đã khiến cho khả năng huy động vốn của Emaar rơi vào nguy cơ đổ vỡ.

Rất may mắn, người láng giềng giàu có Abu Dhabi đã ra tay giúp đỡ Dubai bằng cách bơm 10 tỷ USD cứu trợ cho quốc gia anh em, đồng thời cứu sự "sụp đổ" của ngôi nhà cao nhất thế giới này. Tòa nhà khánh thành chỉ vài tuần sau khi cuộc khủng hoảng tài chính của Dubai được xoa dịu, và nó được đổi tên theo họ của "mạnh thường quân" -  Tiểu vương Abu Dhabi là Khalifa bin Zayed al Nahyan.

Tuy vậy, khó khăn của Burj Khalifa chưa hẳn đã hết. Mặc dù 2/3 trong số 900 căn hộ của tòa tháp đã được bán hết một năm trước khi cuộc khủng hoảng nợ bùng nổ, nhưng tòa nhà này vẫn bước vào giai đoạn khai thác đầu tiên với 20 trong 37 tầng văn phòng cho thuê không thể tìm được khách hàng. Đến nay, diện tích bỏ trống của Burj Khalifa là 35%, theo thông tin từ BBC.

Từng là minh chứng của sự giàu có, Burj Khalifa giờ đây lại là nhân chứng cho cuộc khủng hoảng nợ chưa có hồi kết của Dubai. Ảnh: Youtube.

Theo Alan Robertson, Giám đốc điều hành khu vực Trung Đông của Hãng tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle, sự ế ẩm của Burj Khalifa là do giá thuê quá đắt đỏ.

“Giá đắt gấp đôi trong khi chất lượng tại Burj Khalifa không quá khác biệt so với những toàn nhà nằm cách đó khoảng 50 m. Trong khi đó, ở các tầng cao, thiết kế thuôn mảnh dần cũng đồng nghĩa với việc diện tích mặt sàn hạn chế hơn. Những công ty lớn sẽ phải thuê tới vài tầng mới đủ chỗ để làm việc, và điều đó thật sự gây rắc rối”, Alan Robertson cho biết.

Robertson cũng cho rằng, Burj Khalifa là một biểu tượng toàn cầu, là một địa chỉ có uy tín và tạo nên ấn tượng tuyệt vời với những doanh nghiệp muốn thể hiện mình ngay ở lời giới thiệu. “Có lẽ tòa nhà này phù hợp với những công ty như thế, chứ không phải là những tập đoàn đa quốc gia giàu có”.

Xét về mảng khai thác dịch vụ, Burj Khalifa cũng bị chê đắt đỏ. Du khách đến đây sẽ phải trả khoảng 108 USD chỉ để được đi thang máy lên tầng thứ 124 của tòa nhà, ngắm nhìn sa mạc hay chụp một bức ảnh theo phong cách Mission Impossible (nhiệm vụ bất khả thi) của Tom Cruise.

Còn đối với những cư dân của Burj Khalifa, giá dịch vụ là một gánh nặng thực sự, bởi nó đang ở mức đắt đỏ nhất thế giới. Căn hộ một phòng ngủ tại đây có giá thuê 55.000USD một năm nhưng phí dịch vụ lên đến 25.000 USD.

Đầu năm 2014, mâu thuẫn gay gắt xảy ra giữa các cư dân của Burj Khalifa với ban quản lý tòa nhà khi họ phải đối mặt với nguy cơ leo thang bộ hơn 100 tầng khi tòa nhà có thể bị cắt thang máy. Lý do là khách hàng đã chây ì trả phí dịch vụ suốt 2 năm.

Giờ đây, sau 5 năm chính thức đi vào khai thác, Burj Khalifa có thể sẽ phải chứng khiến nhiều hơn những khó khăn của Dubai. Theo Reuters, thực tế này diễn ra khi dầu thô tiếp tục xu hướng giảm giá, còn dòng tiền đầu tư thế giới đã đổ sang châu Á, thay vì vào các dự án nhân tạo không tưởng ở vùng Vịnh.

Món nợ năm xưa với Abu Dhabi và UAE, Dubai sẽ vẫn phải trả, thông qua kế hoạch tái cơ cấu các công ty quốc doanh. Thậm chí, các doanh nghiệp này có thể phải bán tài sản đi để trả số nợ lên tới 78 tỷ USD sẽ đáo hạn vào năm 2017.
 
>> Thất tình, người phụ nữ nhảy từ tòa nhà cao nhất thế giới ở Dubai tự tử

Theo Hạ Minh (Tổng Hợp)

Nổi bật