Theo hãng tin TASS, thông tin trên được Giám đốc Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) Yury Slyusar tiết lộ tại Hàng không Ấn Độ 2023 triển lãm hàng không quốc tế ngày 14/2.
"Chiếc Tu-160M đầu tiên được chế tạo đã được đặt tên để vinh danh bà Valentina Tereshkova”, ông Slyusar nói.
Theo truyền thống, máy bay ném bom Tu-160 của Nga thường được đặt theo tên những nhân vật xuất sắc trong lĩnh vực hàng không tầm xa.
Máy bay Tu-160 của Nga vốn được NATO gọi là Blackjack. Máy bay này được cho ra mắt vào năm 1987 và đến nay vẫn được cho là một trong những máy bay chiến đấu đáng sợ nhất thế giới.
Theo truyền thông Nga, máy bay ném bom này có trọng tải cực kỳ lớn và có khả năng mang theo số lượng lớn “đáng kinh ngạc” vũ khí hạt nhân hay vũ khí thông thường.
Thiết kế với cánh cụp về phía sau cũng mang lại cho máy bay những lợi thế nhất định. Ví dụ, khi bay ở tốc độ thấp, cánh máy bay sẽ mở ra phía trước, cung cấp lực nâng lớn hơn. Còn khi ở tốc độ cao, cánh cụp cho phép đạt tính khí động học tốt nhất.
Máy bay được thiết kế sử dụng vũ khí hạt nhân và thông thường để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng ở tiền tuyến cũng như sâu trong hậu phương trên chiến trường đất liền. Sau khi hiện đại hóa, hiệu quả tổng thể của máy bay tăng lên đáng kể, phạm vi hoạt động tăng thêm 1.000 km.
Trung tướng Sergey Kobylash - Tư lệnh Hàng không tầm xa của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga – từng thông báo máy bay Tu-160 của Nga đã phá kỷ lục thế giới về chuyến bay thẳng dài nhất cho loại máy bay này. Cho đến nay, Tu-160 vẫn là máy bay quân sự siêu thanh cánh cụp cánh xòe nặng nhất thế giới.
Chương trình sản xuất máy bay ném bom Tu-160 trong phiên bản nâng cấp Tu-160M đã được khởi động sau quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2015.
Đầu năm 2020, nguyên mẫu của chiếc Tu-160M đầu tiên được nâng cấp mạnh mẽ từ máy bay ném bom Tu-160 đã lần đầu tiên bay lên bầu trời.
Máy bay ném bom nâng cấp này có thiết bị bay và dẫn đường tiên tiến, cùng các hệ thống thông tin liên lạc, radar và điện tử mới.
Máy bay ném bom có khả năng mang tới 12 tên lửa hành trình chiến lược trên hai bệ phóng bên trong thân máy bay.
Vào cuối năm 2022, chiếc máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược Tupolev Tu-160M đầu tiên đã được chế tạo lại và hoàn thành các cuộc thử nghiệm tại nhà máy.
Theo Minh Khôi (Báo Tin Tức)