Armenia mở cửa đón ông Zelensky
Truyền thông Armenia cuối tháng 2 vừa qua đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể sẽ tới thăm Armenia "trong tương lai gần" do mối quan hệ giữa Kyiv và Yerevan đang trở nên "nồng ấm hơn".
Thông tin này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Armenia tuyên bố đình chỉ hiệp ước an ninh tập thể với Nga.
Thời điểm đó, tờ Kyiv Independent dẫn nguồn từ kênh truyền hình FactorTV (Armenia) cho biết, công tác chuẩn bị cho chuyến thăm đang được tiến hành, tuy nhiên, thời điểm chính xác chưa được xác nhận, dự kiến vào ngày 4/3.
Trả lời FactorTV, đại biện lâm thời Ukraine Valeri Lobach tại Armenia không xác nhận, cũng không phủ nhận kế hoạch chuyến thăm. Tuy nhiên, theo Kyiv Independent, qua câu trả lời của mình, ông Lobach vẫn bắn đi tín hiệu rằng ông Zelensky đang chuẩn bị tới Yerevan – thủ đô của Armenia.
"Tôi chỉ có thể nói rằng mùa xuân năm nay sẽ mang tới nhiều sự kiện tích cực cho Armenia" – Ông Lobach nói, đồng thời nhấn mạnh rằng "Ukraine sẵn sàng hỗ trợ Armenia" và "sẽ làm mọi thứ cần thiết vì sự ổn định của khu vực".
Thông tin này đồng thời được một nguồn tin ngoại giao xác nhận với hãng thông tấn Azatutyun (Armenia). Nguồn tin cho biết thêm rằng, sau khi tới thăm Armenia, ông Zelensky sẽ tới Azerbaijan.
"Chúng tôi không quan tâm tới việc Nga sẽ phản ứng thế nào (với chuyến thăm của ông Zelensky)" – Ông Gagik Melkonian, một nhà lập pháp ủng hộ chính phủ Thủ tướng Pashinyan, cho hay.
Theo Kyiv Independent, mặc dù từng là đồng minh lâu năm của Nga nhưng Armenia phần lớn hạn chế tham gia vào cuộc chiến của Moscow ở Ukraine. Ông Zelensky lần đầu gặp Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan vào tháng 10/2023 khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu tại Granada ở Tây Ban Nha.
Ông Zelensky cho biết, vào thời điểm đó, hai phía đã thảo luận về tình hình an ninh ở nam Caucasus, cũng như hợp tác song phương và các dự án kinh tế liên khu vực.
Sau cuộc gặp đó, vào tháng 9/2023 và cuối tháng 2/2024, Armenia đã chuyển các lô viện trợ nhân đạo và thiết bị y tế hỗ trợ Kiev.
Kế hoạch bất ngờ "bị chặn" phút chót
Tới ngày 1/3, Kyiv Independent tiếp tục dẫn nguồn từ hãng tin Radar Armenia cho biết, Tổng thống Zelensky đã hủy bỏ chuyến thăm tới Armenia và Azerbaijan.
Radar Armenia dẫn lời các quan chức Armenia cho biết, Azerbaijan đã can thiệp bằng cách từ chối chuyến thăm của ông Zelensky, khiến nhà lãnh đạo Ukraine buộc phải hủy cả chuyến công du tới Armenia.
"Tổng thống Ukraine Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ không đến Armenia và Azerbaijan do chuyến thăm tới Baku đã bị hủy bỏ" – Radar Armenia cho hay.
Trong khi đó, truyền thông Azerbaijan cho biết, kế hoạch đón ông Zelensky của Thủ tướng Pashinyan đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập chính phủ Armenia. Những người phản đối cho rằng các thế lực nước ngoài đang lợi dụng Armenia để mở mặt trận thứ hai chống Nga, do đó, họ tìm cách tổ chức chuyến thăm của ông Zelensky tới Armenia.
"Dựa trên tính toán và lợi ích cá nhân của mình, ông Pashinyan đã biến Armenia thành con tốt trong cuộc xung đột giữa Nga – phương Tây.
Ông ta đang làm điều tương tự như những gì ông Zelensky đã làm với Ukraine. Nếu chuyến thăm của ông Zelensky diễn ra, đó sẽ là hành động khiêu khích chống lại Armenia" – Tờ KONKRET.az (Azerbaijan) dẫn lời Aregnaz Manukyan – thành viên của phe đối lập cho hay.
Về phần mình, phía Ukraine cho biết, mọi thông tin về lịch trình của ông Zelensky sẽ được đăng tải một cách có hệ thống và kịp thời trên website chính thức của Văn phòng Tổng thống Ukraine.
Nga phát đi cảnh báo cao nhất
Bình luận về kế hoạch chuyến thăm của ông Zelensky tới Armenia hôm 28/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Armenia đã nhận thức được rõ lập trường của Điện Kremlin trong mối quan hệ với chính phủ hiện tại của Ukraine.
"Yerevan, chứ không phải Nga, nên là người lên tiếng đầu tiên" – Bà Zakharova nói.
Tới ngày 2/3, phát biểu tại cuộc họp báo sau Diễn đàn ngoại giao Antalya, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, chính quyền Armenia giờ đây muốn xây dựng quan hệ với "kẻ thù" của nước láng giềng và "kẻ thù" của những nước vốn là bạn bè với họ.
"Vì lý do nào đó, Armenia tin rằng họ cần phải xây dựng cuộc sống của mình, nhưng không phải với các nước láng giềng gần gũi nhất và các dân tộc từng đoàn kết với họ trong lịch sử, mà là với những phía đang đối đầu với chính bạn bè của họ" – Ông Lavrov nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao Nga chi ra rằng, sự can thiệp của phương Tây vào công việc của nước khác không mang lại điều gì tốt đẹp cho bất cứ khu vực nào trên thế giới.
"Phía Nga lấy làm tiếc vì Yerevan đã đưa ra quyết định theo đuổi chính sách làm xấu đi quan hệ với Moscow" – Ông Lavrov nói.
Cũng theo Ngoại trưởng Nga, Moscow có khả năng "sẽ xem xét lại mối quan hệ song phương với Yerevan".
Hiện tại, Armenia vẫn chưa đưa ra yêu cầu chính thức về việc đình chỉ tư cách thành viên trong Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu.
Liên quan tới việc này, ông Lavrov nói: "Đây không phải là bức tranh hấp dẫn cho lắm. Chúng tôi muốn các đồng nghiệp – đối tác Armenia tự quyết định xem họ muốn tiếp tục sống như thế nào, và họ muốn cùng nhau thực hiện các thỏa thuận đã liên kết chúng ta trong nhiều cấu trúc tổ chức chung ra sao".
Theo tờ Zham.am (Armenia), ông Lavrov đang gửi "tối hậu thư" tới chính quyền Thủ tướng Pashinyan, đây là lời cảnh báo ở mức độ cao nhất trong chuỗi sự kiện căng thẳng diễn ra giữa hai nước trong những ngày qua.
Bên cạnh đó, theo tờ báo, Ngoại trưởng Nga đã đồng thời gửi thông điệp tới người dân Armenia: Nếu người dân Armenia đồng tình với chính sách của ông Pashinyan thì Nga sẽ buộc phải có những bước đi nghiêm túc để xem xét lại quan hệ giữa hai phía.
"Không khó để đoán những bước đi đó là gì", Zham.am viết, "đây là tình huống chưa từng có trong quan hệ Nga-Armenia. Chưa từng có chuyện như thế xảy ra kể từ tháng 9/1991".
Theo tờ báo, quan hệ Armenia-Nga giờ đây đã trở nên gần giống với quan hệ Nga-Ukraine. Và điều đó có thể gây ra nhiều hậu quả khủng khiếp đối với Yerevan.
Theo Nhật Minh (Đời Sống & Pháp Luật)