Theo hãng tin CNN, ông Wickremesinghe nói, chính phủ của nhà cựu lãnh đạo Gotabaya Rajapaksa không nói ra sự thật rằng Sri Lanka đã phá sản.
"Tôi muốn nói với mọi người rằng, tôi biết những gì họ đang phải chịu đựng. Chúng ta phải vươn lên bằng nỗ lực của bản thân. Chúng ta không cần 5 năm hay 10 năm nữa. Cuối năm sau, chúng ta hãy bắt đầu ổn định và chắc chắn là tới 2024, Sri Lanka sẽ có một nền kinh tế vận hành và bắt đầu phát triển".
Hôm qua (18/7), quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong nỗ lực giải quyết tình trạng bất ổn xã hội cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á này. Thông báo nêu rõ đây là biện pháp "phù hợp, vì lợi ích an ninh công cộng, bảo vệ trật tự công cộng cũng như duy trì các nguồn cung ứng và dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống của cộng đồng".
Ông Wickremesinghe đang ganh đua để trở thành Tổng thống tiếp theo của Sri Lanka. Ông đang nhận được sự ủng hộ của đảng cầm quyền Podujana Peramuna nhưng sẽ phải đối mặt với ít nhất 3 ứng viên khác.
Như kế hoạch, hôm nay (19/7) Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu ra nhà lãnh đạo mới. Theo hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng Wickremesinghe sẽ là quyền Tổng thống cho đến khi Quốc hội bầu được một nghị sỹ kế nhiệm ông Rajapaksa trong phần còn lại của nhiệm kỳ hiện nay.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây. Tình hình trên dẫn đến các cuộc biểu tình ở Sri Lanka kéo dài suốt nhiều tháng.
Theo Lê Phan (VietNamNet)