'Quyền lực thông minh' trong chính sách Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden

06/03/2021 09:40:59

Tổng thống Mỹ Joe Biden chắc chắn sẽ không theo phong cách “kẻ bắt nạt” của ông Trump, nhưng lại sẵn sàng sử dụng vũ lực hơn thời ông Obama.

Chính quyền của Tổng thống Biden không mất nhiều thời gian vào việc thay đổi chính sách của Mỹ về Trung Đông.

Tuần trước tuần qua, Mỹ đã tiến hành cuộc không kích nhằm vào mục tiêu Iran ở Syria và công bố bản báo cáo tình báo về vai trò của Thái tử Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Cả 2 quyết định này đều cho thấy có sự thay đổi đáng kể so với thời chính quyền Donald Trump, vốn vội vàng trong các hành động với Iran cũng như “dễ dàng” đối với Saudi Arabia.

Có thể sự khác biệt trong hành động của Biden so với “sếp cũ” Barack Obama ít rõ ràng hơn, nhưng ông Biden sẵn sàng áp dụng cách tiếp cận mạnh mẽ hơn chính quyền Obama trong việc đối phó với những nước “gây rối”.

Rắn tay hơn với Iran

Quyết định của ông Biden về việc tiến hành không kích nhằm vào các phiến quân được Iran hậu thuẫn ở Syria cho thấy những gì mà nhà khoa học chính trị Mỹ Joseph Nye mô tả là “quyền lực thông minh”. Đó là việc thực hiện quyền lực “cứng” cùng với quyền lực mềm một cách tính toán thận trọng nhằm đem lại kết quả ngoại giao mong muốn.

Trong trường hợp này, Mỹ đã hợp tác với chính phủ và giới chức tình báo Iraq để xây dựng kế hoạch và thực hiện các cuộc không kích ở Syria.

Cuộc không kích này là nhằm phát đi thông điệp: Mỹ sẽ rất cương quyết trước các hành động khiêu khích của Iran. Trong khi đó, các cuộc tấn công cũng được thực hiện theo cách tránh gia tăng căng thẳng, tránh tấn công trực tiếp nhằm vào Iran và khiến giới lãnh đạo nước này nổi giận.

Washington đã tuyên bố rõ ràng cuộc không kích này là phản ứng trực tiếp trước các cuộc tấn công mà các phiến quân được Iran hậu thuẫn nhằm vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq hồi giữa tháng 2/2021.

'Quyền lực thông minh' trong chính sách Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Trái ngược với “kiểu bắt nạt” của Trump

Cuộc tấn công Syria này trái ngược với một hành động tương tự mà chính quyền Trump từng thực hiện đầu năm 2020: vụ sát hại Tướng Iran Qasem Soleimani ở Iraq.

Trong cuộc tấn công khi đó, Mỹ đã hành động đơn phương và không hề cảnh báo trước với Iraq. Mỹ cũng đã vi phạm chủ quyền của đồng minh, vấp phải sự phản đối từ trong nước, cũng như làm dấy lên sự giận dữ ở Iraq.

Cuộc tấn công đã sát hại một nhân vật được xem như người hùng ở Iran. Điều này đã buộc Iran phải có sự đáp trả bằng cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú ở Iraq.

Diễn ra ở thời điểm chính quyền Trump đang tìm cách đưa Iran trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân, cuộc tấn công này đã không có tác dụng như Mỹ mong muốn, mà chỉ làm tổn hại đến danh tiếng của Mỹ, khiến dư luận cho rằng Washington cũng không khác gì “kẻ bắt nạt”.

Nếu như cuộc tấn công mà ông Trump ra lệnh tiến hành giống như cú “vỗ mặt” và phản tác dụng trong việc xử lý mối quan hệ Mỹ-Iran, thì cuộc không kích của ông Biden gần đây lại được thực hiện một cách có tính toán và “vừa đủ” để thúc giục Iran hướng tới một con đường xây dựng hơn trong việc phải đối thoại với Mỹ.

Chính quyền Biden sẽ hành động để kiềm chế Saudi Arabia

Ông Biden cũng có khác biệt rõ ràng với ông Trump trong vấn đề Saudi Arabia.

Bản báo cáo của chính quyền Tổng thống Biden đã nêu rõ vai trò của Thái tử Mohammad bin Salman trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, Mỹ chỉ áp trừng phạt tới một nhóm người liên quan trực tiếp tới vụ việc này mà không áp trừng phạt tới Thái tử Mohammad. Chính quyền của ông Biden sẽ sử dụng các biện pháp khác để ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn trong tương lai.

Tương tự, ông Biden đã tỏ ra rằng dù ông vẫn cam kết hợp tác quốc phòng với Saudi Arabia, nhưng ông không muốn hỗ trợ cho nước này trong cuộc chiến ở Yemen.

Trong bối cảnh sự phản đối đối với Saudi Arabia ngày càng gia tăng trong các nhánh khác nhau của chính phủ Mỹ, Tổng thống Biden sẽ đảm bảo có sẵn một loạt công cụ để trừng phạt Riyadh nếu cần thiết.

Cách tiếp cận thận trọng hơn so với ông Obama

Có lẽ nhiều người sẽ khó nhận thấy sự khác biệt của ông Biden với chính quyền Obama trong chính sách về Trung Đông.

Nhìn chung, ông Biden được xem là “người kế thừa tinh thần” của ông Obama. Dù vậy, ông Biden lại có phong cách riêng, các tiếp cận riêng khác biệt đáng kể với ông Obama.

Trong vấn đề Iran, ông Biden cho thấy ông không giống như người tiền nhiệm Obama. Ông sẵn sàng sử dụng vũ lực để gây sức ép đưa Iran trở lại các cuộc đàm phán và cũng ít chủ hòa hơn trong các mối đe dọa dấy lên từ các cuộc trả đũa tiềm tàng của Iran.

Trước đây, ông Obama thường phản đối mạnh mẽ việc thực thi “quyền lực thông minh” khi nói đến vấn đề Iran vì lo ngại rằng bất cứ hành động sử dụng vũ lực nào cũng có thể gây nguy hiểm cho các nỗ lực ngoại giao xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran.

Sự “trầm lắng” này cũng có thể nhận thấy trong một số quyết định chính sách lớn của ông Obama như bước lùi của ông khỏi “lằn ranh đỏ” trong vấn đề Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học đối với dân thường, cũng như không phản ứng mạnh mẽ trước những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Dù ông Obama sẵn sàng chỉ trích Saudi Arabia trong nhiều vấn đề, trong đó có cả nhân quyền, thì vẫn không có nhiều hành động cụ thể từ phía chính quyền Mỹ thời ông còn tại nhiệm.

Nếu như ông Obama nói mà không đi đôi với làm trong vấn đề Saudi Arabia, thì ông Biden dường như lại sẵn sàng bước vào đối thoại. Ông không chỉ lên tiếng chỉ trích mà còn sẵn sàng thực thi các chính sách cụ thể nhằm ngăn chặn các hành động tàn bạo của phía Saudi Arabia như vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Sự khác biệt trong phong cách

Khác biệt chủ chốt trong tính cách của Tổng thống Biden với người tiền nhiệm Obama cũng rất rõ nét.

Ông Obama đôi khi còn bị cho là “nhút nhát” và “tê liệt phân tích” trong các vấn đề đối ngoại. Điều này trái ngược hẳn với những hành động quyết đoán của ông nhằm vào các nhóm nổi dậy và khủng bố.

Cũng chính vì thế mà nhiều người cho rằng nước Mỹ dưới thời ông Obama đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong chính sách đối ngoại, vì ông quá cân nhắc thiệt, hơn.

Ông Biden thì ngược lại. Trong suốt sự nghiệp chính trị, ông nổi tiếng là người biết chấp nhận những rủi ro một cách có tính toán. Dù không phải lúc nào cũng đúng trong các quyết định của mình, nhưng ông sẵn sàng “nói đi đôi với làm”.

Về cơ bản, ông Biden tin vào trật tự quốc tế tự do và ông sẵn sàng thực thi “quyền lực thông minh” để bảo vệ và củng cố điều đó trong những vấn đề ông cho là cần thiết./.

Theo Hoàng Phạm (VOV.vn)