Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, khi tư tưởng về "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới" của ông được đưa vào điều lệ đảng sửa đổi tại Đại hội 19. Các nhà phân tích phương Tây cho rằng quyền lực mà ông Tập có được hiện nay có sự đóng góp rất lớn của chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" mà ông phát động cách đây 5 năm, theo NPR.
Năm 2012, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu thông báo về con đường mà ông sẽ theo đuổi: Tiến hành một chiến dịch sâu rộng chống tham nhũng, vấn nạn đã trở nên phổ biến ở mọi tầng lớp xã hội Trung Quốc. Chiến dịch này sau đó được gọi bằng cái tên "đả hổ, diệt ruồi", vì nó nhắm tới cả những quan chức hàng đầu của Trung Quốc lẫn những cán bộ cấp cơ sở có hành vi tham nhũng, lạm quyền, tư lợi cá nhân.
Theo Willy Wo-Lop Lam, tác giả cuốn sách "Chính trị Trung Quốc dưới thời đại Tập Cận Bình", đây là một bước đi sống còn, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với vị thế chính trị của ông Tập.
Nhiều nhà quan sát từng dự đoán rằng ông Tập sẽ đối mặt với những thách thức chưa từng thấy khi động chạm đến những quan chức tha hóa, biến chất ở mọi tầng nấc của bộ máy. Ngay cả đảng Cộng sản Trung Quốc cũng từng cảnh báo về những "thế lực phản kháng" chống lại nỗ lực chống tham nhũng, nhiều lần yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giới quân đội, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với đảng và chấp hành mọi chỉ thị của ông Tập.
Tuy nhiên, sau 5 năm tiến hành một cách quyết liệt, chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của ông Tập đã đạt được những thành quả đáng kể.
Hàng loạt cuộc điều tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng quyền lực nhất, đã phanh phui và trừng phạt hàng triệu quan chức chính quyền có hành vi tham nhũng, trong đó có cả những "hổ lớn" như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai...
Dù một số người cho rằng chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" của ông Tập mang động cơ chính trị, Arthur Kroeber, giám đốc điều hành công ty dịch vụ tài chính Gavekal Dragonomics, nhận định Chủ tịch Trung Quốc có mục tiêu lớn hơn nhiều.
"Chủ tịch Tập muốn tạo ra một hệ thống có thể tồn tại sau khi ông ấy mãn nhiệm. Ông ấy là thành viên của tầng lớp tinh hoa Trung Quốc có nhận thức rõ ràng về sứ mệnh đối với đất nước", Kroeber nói, nhấn mạnh vào việc chiến dịch chống tham nhũng mà ông Tập phát động đã đi xa được như thế nào, chạm tới tất cả mọi khu vực cũng như cấp độ trong chính phủ.
Ở Thượng Hải, Peter Corne, cộng sự tại công ty luật Dorsey & Whitney, người có hơn 20 năm kinh nghiệm thực hành luật tại Trung Quốc, cũng có nhận định tương tự.
"Qua các cuộc nói chuyện với những người dân địa phương, tôi thấy chiến dịch chống tham nhũng đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của họ về quốc gia. Nó mang đến cho họ hy vọng", Corne cho hay.
Theo Corne, chính niềm tin của người dân vào nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền đã mang lại quyền lực cho ông Tập cũng như tạo ra những tác động sâu rộng đối với phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước.
"Việc tất cả các quan chức chính phủ giờ đây đều biết đến chiến dịch này và hành động cẩn trọng cho thấy nó đã tạo ra một thực tế mới", Corne nhận định. "Nó đã thay đổi cách người ta suy nghĩ và làm việc. Tôi cho rằng điều này sẽ được duy trì".
Chủ tịch Tập Cận Bình hôm nay giới thiệu các thành viên mới của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan có quyền lực rất lớn đối với các quyết sách của nước này. Triệu Lạc Tế, người từng phụ trách Ban Tổ chức Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa mới cho thấy ông Tập sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" này.
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)