Hàng nghìn người ủng hộ mặc áo vàng chào đón Vua Maha Vajiralongkorn trong lễ sinh nhật của cố vương Bhumibhol. Video: AP. |
Quốc vương Maha Vajiralongkorn cùng Hoàng hậu Suthida vẫy tay chào những người ủng hộ khi họ đến khu hành lễ hoàng gia Sanam Luang ở Bangkok. Những người ủng hộ chế độ quân chủ đã cầm cờ hoàng gia Thái Lan, mặc áo màu vàng và tay cầm biểu ngữ "Đức vua muôn năm" để chào đón nhà vua.
Tại khu hành lễ, bức ảnh khổng lồ của cố vương Bhumibhol Adulyadej đặt ở trung tâm sân khấu, dựng bên ngoài Cung điện Hoàng gia, được trang trí công phu. Dưới ánh nến, Quốc vương Vajiralongkorn dẫn đầu đám đông tưởng niệm người cha quá cố của ông.
Mặc dù cố vương Bhumibhol qua đời cách đây 4 năm nhưng ngày sinh của ông vẫn là ngày lễ lớn của Thái Lan, được gọi là ngày của Cha. Ông đã trị vì trong 70 năm, có được danh tiếng nhờ hình ảnh nhân hậu và những cống hiến "quên mình phục vụ đất nước". Ông được hầu hết người dân tôn trọng và địa vị vững chắc trong suốt thời gian trị vì. Nhưng kể từ khi ông qua đời vào năm 2016 và Quốc vương Vajiralongkorn lên ngôi, vị thế của chế độ quân chủ đã bị đe dọa, với sự bất đồng quan điểm ngày càng gia tăng.
Hàng loạt cuộc biểu tình đòi cải cách hoàng gia diễn ra ở Thái Lan trong vài tháng qua. Hồi tháng 8, các sinh viên ủng hộ dân chủ đã đập tan điều cấm kỵ về sự chỉ trích của công chúng đối với chế độ quân chủ. Họ đưa ra 10 điểm yêu cầu cải cách toàn diện chế độ quân chủ nhằm khiến thể chế này trở nên minh bạch và có trách nhiệm hơn. Phong trào này ngày càng được nhiều người ủng hộ. Hàng nghìn người đã tham gia các cuộc tuần hành. Họ cũng yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức và cải cách hiến pháp.
Đáp lại, Quốc vương Vajiralongkorn thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện của hoàng gia hơn. Những sự kiện này thu hút được hàng nghìn người ủng hộ, những người phẫn nộ vì các chuẩn mực truyền thống đang bị thách thức.
Trái ngược với thái độ nghiêm khắc thường thấy, Quốc vương Vajiralongkorn đã thoải mái hơn trong các sự kiện, thể hiện một tính cách nhẹ nhàng hơn, đồng thời cảm ơn và khuyến khích những người ủng hộ chế độ quân chủ đã đứng lên vì ông. Tại một sự kiện hoàng gia vào tháng 11, Quốc vương Vajiralongkorn dường như ám chỉ rằng ông có thể có thỏa hiệp với những người đòi cải cách, nhưng các nhà lãnh đạo phong trào biểu tình đã bác bỏ điều đó.
Trong những ngày gần đây, ít nhất 12 nhà lãnh đạo phong trào biểu tình phản đối chế độ quân chủ đã bị buộc tội phỉ báng hoàng gia theo luật chống khi quân. Luật này quy định các bình luận hoặc hành động nhắm vào hoàng gia có thể bị phạt đến 15 năm tù.
Theo Sơn Nam (Ngoisao.net)