"Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Nếu có một số quốc gia được miễn trừ, chúng tôi cũng muốn có được sự miễn trừ đó", Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Bulgaria Assen Vassilev nói trên truyền hình nhà nước, theo hãng thông tấn Reuters.
"Nếu không, chúng tôi sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt. Nhưng tôi không mong đợi sẽ đạt được điều đó, dựa trên các cuộc đàm phán vào lúc này", ông Vassilev nói thêm.
Hôm 8/5, Liên minh châu Âu (EU) đã tiến gần hơn trong việc thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga, sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, nhiều cuộc đàm phán khác dự kiến sẽ được tổ chức vào hôm nay (9/5) để tìm ra cách đảm bảo các quốc gia đang phụ thuộc vào năng lượng của Nga có thể tìm được giải pháp thay thế.
Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech đều là những nước không giáp biển, và đều phụ thuộc nhiều vào dầu thô của Nga được vận chuyển qua các đường ống thời Liên Xô. Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức để đảm bảo các nguồn cung năng lượng thay thế, những nước này đã yêu cầu EU đưa ra biện pháp miễn trừ cụ thể.
Trước đó, các nguồn tin từ EU hôm 6/5 cho biết Ủy ban châu Âu đã đề xuất những thay đổi đối với lệnh cấm vận dự kiến đối với dầu khí nhập từ Nga, để Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech có thêm thời gian chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng của mình. Bulgaria sau đó cũng không nhượng bộ và đưa ra yêu cầu được miễn trừ.
Phó Thủ tướng Vassilev cho hay, Bulgaria cũng cần được miễn trừ vì nhà máy lọc dầu duy nhất của nước này tại thành phố cảng Burgas cần thêm thời gian để nâng cấp các cơ sở khử lưu huỳnh trước khi chuyển sang chỉ xử lý dầu thô không phải của Nga.
Theo ông Vassilev, nếu Bulgaria không được miễn trừ, lệnh cấm trừng phạt mới sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với môi trường tại khu vực Burgas hoặc buộc nhà máy lọc dầu ở đây phải giảm công suất hoạt động. Điều này sẽ tạo ra thâm hụt và làm tăng giá nhiên liệu hơn nữa.
Nhà máy lọc dầu Neftochim Burgas, thuộc sở hữu của LUKOIL - công ty năng lượng đa quốc gia của Nga, là nơi cung cấp nhiên liệu chính ở Bulgaria - quốc gia nghèo nhất trong khối 27 thành viên của EU. Hiện tại, một nửa lượng dầu mà nhà máy này xử lý đến từ Nga.
Theo Việt Anh (VietNamNet)