Bhutan, dân số gần 800.000 người, bắt đầu tiên chủng liều thứ hai hôm 20/07 trong chương trình được UNICEF ca ngợi "có thể là chương trình tiêm chủng nhanh nhất được thực hiện trong đại dịch".
Hồi tháng 04, Bhutan đã thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới, khi chính phủ nước này thông báo đã tiêm chủng liều thứ nhất cho 90% dân số người lớn đủ điều kiện, chỉ hai tuần sau khi Ấn Độ tặng 550.000 liều vaccine của AstraZeneca.
Tuy vậy, nguồn cung vaccine của Bhutan trở nên khan hiếm trong nhiều tháng, sau khi Ấn Độ, một trong những nơi sản xuất vaccine Covid-19 của AstraZeneca, thông báo dừng xuất khẩu vaccine để ưu tiên nhu cầu trong nước, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao.
Bhutan tuần trước đã tái khởi động chương trình tiêm chủng sau khi nhận nửa triệu liều vaccine Moderna từ Mỹ thông qua sáng kiến COVAX. Nước này cũng nhận khoảng 5.000 liều vaccine của Pfizer thông qua COVAX, ngoài ra còn 400.000 nghìn liều vaccine AstraZeneca từ Đan Mạch, Croatia và Bulgaria trong hai tuần qua.
"Mục tiêu của chúng tôi là đạt miễn dịch cộng đồng trong dân số sớm nhất có thể để tránh một cuộc khủng hoảng y tế công cộng lớn," Bộ trưởng Y tế Bhutan Dechen Wangmo trả lời phỏng vấn của hãng tin AP.
Theo AP, nhiều nước phương Tây với nguồn tài nguyên dồi dào hơn hiện vẫn chưa đạt được tỷ lệ tiêm chủng cho người lớn đủ điều kiện lớn như vậy.
Giới chuyên gia y tế cho rằng chiến dịch tiêm chủng của Bhutan thành công một phần do dân số không đông, nhưng bên cạnh đó cũng nhờ thông điệp mạnh mẽ, hiệu quả của các quan chức cấp cao và hệ thống chuỗi cung ứng lạnh đã được thiết lập từ trước.
Hơn 3.000 nhân viên y tế tham gia chương trình tiêm chủng tại 1.200 trung tâm tiêm chủng trên khắp Bhutan đã đảm bảo những người đủ điều kiện tiêm được tiếp cận đầy đủ.
Tại một số địa phương, nhân viên y tế Bhutan phải trèo đèo lội suối nhiều ngày, vượt qua lở đất và mưa lớn để tới những ngôi làng xa xôi hẻo lánh tiêm chủng cho người dân không thể tới các trung tâm, theo bác sĩ Sonam Wangchuk, thành viên ban chuyên trách tiêm chủng của Bhutan.
"Tiêm chủng là cột trụ của sáng kiến y tế Bhutan," vị bác sĩ cho biết thêm.
Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Y tế của Bhutan đều là những người từng làm việc trong ngành y. Chính phủ nước này cũng trực tiếp trả lời câu hỏi về Covid-19 và tiêm chủng trên Facebook, làm giảm bớt tâm lý e ngại của người dân.
"Thực tế, người dân rất nóng lòng được tiêm chủng," bác sĩ Wangchuk nói.
Thủ tướng Bhuthan Lotay Tshering và Vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đều là những người ủng hộ tiêm chủng, xoa dịu tâm lý lo âu về vaccine. Nhà vua cũng tới thăm nhiều khu vực để giúp nâng cao nhận thức về chương trình tiêm chủng.
Một điểm đáng chú ý nữa trong chương trình tiêm chủng của Bhutan là hệ thống tình nguyện viên, được gọi là "desupp", theo Will Parks, đại diện UNICEF tại nước này. Khoảng 22.000 tình nguyện viên đã tham gia vào các chương trình nâng cao nhận thức, xóa bỏ thông tin sai lệch, hỗ trợ xét nghiệm diện rộng và thậm chí là vận chuyển vaccine tới các vùng hẻo lánh, theo ông Parks.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)