Khi Carmen Gorriz muốn xe hơi mới sau khi em trai bà làm hỏng chiếc Ford cũ, bà đi bus gần 500km chỉ để chạm vào Miguel Angel. Một tuần sau, bà trúng thưởng chiếc Peugeot mới khi tham gia quay xổ số ở một nhà thờ. Bà gửi thư cảm ơn Miguel Angel, kèm theo bản photo chiếc vé thắng giải.
Khi Suzy Ipinza, thời điểm đó 11 tuổi, muốn đạt điểm cao trong cuộc thi đánh vần, cô bé tìm tới Miguel Angel. Không lâu sau, cô gửi tới một bản sao bảng điểm hoàn hảo của mình.
Trong nhiều thập kỷ, hàng ngàn người dân Argentina tới thị trấn cô lập ở miền Tây bắc nước này để tìm kiếm "phép màu" từ Miguel Angel.
Nhưng cậu bé không phải là thần thánh gì cả. Tất cả những gì còn lại của Miguel Angel, người đã qua đời vì bệnh viêm màng não hồi năm 1966, khi chưa tròn một tuổi, chỉ là hài cốt được bảo quản cẩn thận.
Những người tới thăm mộ Miguel Angel mang theo hoa, gấu bông, đồ chơi, quần áo đặt ở khu vực nghĩa trang, nơi hài cốt của cậu được đặt trong một quan tài có nắp kính.
"Chúng tôi gọi cậu là đứa trẻ phép màu, bởi Chúa đã giữ thi thể cậu không bị phân hủy, để cả thế giới có thể tới thăm và được ban phước," Daniel Saavedra, hành nghề tài xế taxi, cho biết.
Truyền thuyết về Miguel Angel bắt đầu trong một trận mưa bão lớn vào năm 1973, bảy năm sau khi cậu qua đời. Theo người dân địa phương, cơn bão khiến quan tài của cậu bé lộ ra, được nhân viên nghĩa trang phát hiện.
Nhân viên nghĩa trang nhìn vào bên trong quan tài thì phát hiện thi thể đứa trẻ gần như còn nguyên vẹn. Ông này sau đó xây một ngôi mộ tạm thời để bảo quản quan tài. Tuy vậy, chỉ một ngày sau, bức tường ngôi mộ đã đổ sập một cách bí ẩn. Ngôi mộ được xây lại, nhưng tường vẫn đổ sập một lần nữa, khiến người dân quyết định để quan tài ngoài trời.
Thế nhưng, theo câu chuyện lan truyền ở địa phương, nắp quan tài luôn bị mở vào ban đêm.
"Chúng tôi đã đặt những hòn đá và vật nặng lên nắp quan tài, nhưng sáng hôm sau lại thấy nắp quan tài đã mở," bà Argentina Gaitan nói. "Cuối cùng chúng tôi nhận ra Miguel dường như không muốn bị che đậy. Nó muốn được nhìn thấy, vậy nên chúng tôi đặt nó vào quan tài có nắp kính".
Nếu những người tới thăm mộ Miguel Angel gặp may mắn, họ sẽ gặp được mẹ của cậu bé, Argentina Gaitan. Bà vẫn thăm mộ con trai hàng ngày, sẵn sàng mở nắp quan tài cho người dân chạm vào thi thể cậu.
Bà thậm chí còn nhận trang phục mà người dân tặng cho con trai đã mất và mặc lên thi thể cậu bé.
"Thông thường, người ta không chạm vào nó, nhưng nếu họ đề nghị, tôi sẽ mở nắp quan tài cho họ chạm vào thi thể," Argentina Gaitan nói. "Nhưng dù có chạm vào thi thể hay không, mọi người đều sẽ nhận được phép màu".
Người dân tới thăm Miguel Angel thường để lại những món quà nhỏ hay những bức thư cảm ơn "phép màu".
"Miguel Angel, cảm ơn phép màu: Jose đã cầu hôn với tôi ngày hôm qua," lá thư của một người phụ nữ tên là Patricia ở Cordoba, cách khu mộ của cậu bé hơn 720km viết.
"Nhờ Miguel Angel, tôi đạt 100 điểm trong bài kiểm tra sản khoa," Juanita, sinh viên trường y tại Buenos Aires, cách đó hơn 1.000km viết.
Iris Guinazu, một nhà nhân chủng học, giải thích rằng những câu chuyện thần thoại như vậy là một phần của văn hóa bản địa đã bị mai một đáng kể ở Argentina, một trong những quốc gia Âu hóa nhất tại Mỹ Latin. Bà nhắc tới truyền thuyết Difunta Correa, về một người mẹ chết khát giữa sa mạc sau khi sinh con, nhưng đứa trẻ vẫn sống sót nhờ uống sữa mẹ, có liên quan tới vị thần Inca Pacha Mama, nghĩa là Mẹ Trái đất.
"Những nghi thức nhỏ và đơn giản giúp giữ gìn chất Mỹ," Guinazu nói về những người lai ở nông thôn Argentina. "Họ tin vào những gì họ thấy hoặc chạm được vào Những nghi thức đó giúp họ xác định bản chất thực sự".
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)