Quân Mỹ “muốn khóc” vì hệ thống tác chiến điện tử Nga ở Syria

24/10/2015 10:42:19

Hệ thống tác chiến điện tử của Nga ở Syria đã chứng minh được tính vượt trội của mình so với Mỹ. Lí do là gì?

Hệ thống tác chiến điện tử của Nga ở Syria đã chứng minh được tính vượt trội của mình so với Mỹ. Lí do là gì?
Ở Ukraine và Syria, quân đội Nga đang sử dụng các thiết bị điện tử tối tân để làm nhiễu sóng máy bay không người lái và chặn đứng khả năng giao tiếp trên chiến trường của các đơn vị chiến đấu – khiến Mỹ phải rơi vào tình cảnh khốn đốn.
 
Tín hiệu gây nhiễu đến vào những thời điểm khác nhau, cách thức riêng biệt. Quân đội Ukraine cũng như các máy bay không người lái do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sở hữu đều lâm vào tình cảnh tương tự: quân đội Nga đang đẩy họ vào thế phải “dò dẫm tìm đường”.
 

Hệ thống tác chiến điện tử  hiện đại Krasukha-4 của Nga

 
Đó chỉ là một tính năng của hệ thống tác chiến điện tử hiện đại phía Nga sử dụng khiến quân đội Mỹ phải giật mình. Đối diện với hệ thống hiện đại được sử dụng ở Ukraine và sau này là Syria – những thiết bị như Krasukha-4, máy làm nhiễu radar và máy bay chiến đấu – các sĩ quan quân đội Mỹ đã phải thừa nhận rằng họ đang rất vất vả để liên lạc với nhau.
 
Hệ thống Krasukha-4 được thiết kế để hạ gục các mục tiêu trên không như máy bay không người lái hoặc tên lửa dẫn đường radar thông qua phương pháp gây nhiễu điện từ. Thậm chí, nó còn đủ mạnh để vô hiệu hóa các vệ tinh do thám bay ở quỹ đạo thấp của trái đất cũng như phá hủy vĩnh viễn hệ thống vô tuyến điện tử của mục tiêu.
 

Một góc nhìn khác của hệ thống Krasukha-4

 
Tầm tác chiến hiệu quả của Krasukha-4 đạt từ 150km tới 300 km. Tuy nhiên, nó nằm trên một hệ thống di động nên Nga có thể thay đổi linh hoạt vị trí của Krasukha-4. Thiết bị này được coi là sát thủ của hệ thống chiến tranh điện tử đối phương.
 
Hệ thống này không chỉ có khả năng che giấu các hoạt động của quân đội Nga mà còn theo dõi vũ khí NATO cũng như hệ thống điện tử mà khối quân sự này sử dụng. Từ đó, Krasukha-4 dễ dàng vô hiệu hóa hoặc làm gián đoạn quá trình thu thập thông tin tình báo của đối phương. Máy bay không người lái do thám là mục tiêu dễ bị tổn thương nhất bởi Krasukha-4.
 
Đại úy Ben Hodge chỉ huy một đơn vị lính Mỹ tại châu Âu đã nói rằng hệ thống tác chiến điện tử tại Ukraine của Nga làm ông “muốn khóc”. Một sĩ quan khác là Ronald Pontius khẳng định, “không thể nghi ngờ rằng chúng ta đang tụt hậu so với nhu cầu tác chiến đòi hỏi”.
 
Chiến tranh điện tử bắt đầu được chú ý từ khi Nga tiến vào lãnh thổ Crimea mùa xuân năm 2014. Ngay khi quân đội Nga có mặt tại khu vực này, quân đội Ukraine phát hiện rằng radio, điện thoại không thể sử dụng được. Tổ chức OSCE thông báo rằng các máy bay không người lái lượn trên bầu trời miền Đông Ukraine “trở thành mục tiêu làm nhiễu sóng” và buộc phải hủy nhiệm vụ giữa chừng.
 
Đại tá Jeffrey Church, chủ nhiệm phòng tác chiến điện tử quân đội Mỹ trả lời phỏng vấn báo Foreign Policy: “Họ (quân đội Nga) có nhiều trung đội, tiểu đoàn, lữ đoàn tham gia vào nhiệm vụ tác chiến điện tử”. Những đơn vị đó “sử dụng thiết bị tác chiến điện tử riêng biệt, lệnh chỉ huy tác chiến riêng biệt,” ông nói.
 
Hiện tại trong một tiểu đoàn của quân đội Mỹ thường giao 2 lính phụ trách nhiệm vụ tác chiến điện tử, và họ “phải làm việc 24 giờ liên tục” chống lại các kẻ thù được trang bị hiện đại. Công việc bao gồm lập kế hoạch, hợp tác với các đơn vị tiểu đoàn khác, đảm bảo máy làm nhiễu và phương tiện liên lạc thông suốt. “Như thế là quá nhiều việc cho 2 người”, đại tá Church khẳng định. “Làm sao có thể duy trì một cường độ làm việc hiệu suất cao để chống trả quân thù được?”
 
Nhìn vào khả năng tác chiến của Moscow, Phòng nghiên cứu quân sự quốc tế Mỹ đánh giá Nga “sở hữu các trang thiết bị tác chiến điện tử hiện đại và tăng dần về số lượng; các chỉ huy và lãnh đạo hiểu được tầm quan trọng của những thiết bị này”. “Khả năng che mắt hoặc ngăn chặn giao tiếp, liên lạc giúp nắm lợi thế lớn trên chiến trường khi chiến đấu với những kẻ thù mạnh hơn.”
 
Hệ thống tác chiến điện tử của Ukraine quá thô sơ nên không thể so sánh được với các thiết bị hiện đại phía quân đội Nga sử dụng. Ông Dmitry Gorenburg, một nhà khoa học cấp cao thuộc tổ chức CNA đánh giá, “đây không phải là sự khiêu khích nhằm vào Ukraine, NATO mà thực ra là nhằm vào đối thủ khác đáng gờm hơn.”
 
Dù quân đội Mỹ đã cố gắng cập nhật và trang bị hệ thống tác chiến điện tử nhưng có vẻ tiến trình còn mất kha khá thời gian. Trong khi đó, đại tá Church nói rằng binh sĩ cần phải được tập huấn trong một cuộc chiến hoàn toàn mới – một thế trận phụ thuộc nhiều hơn vào các vũ khí điện-từ hiện đại là chủ lực của quân đội Nga trong tương lai gần.
 
 “Chúng ta phải thử thách bản thân hơn nữa thôi,” đại tá Church nói. “Phải tập luyện như thể ngày mai đi chiến đấu vậy…Hiện tại thì vẫn chưa ổn chút nào!”.
 
Theo Quang Minh (Dân Việt)