Tháng 4/2016, 12 cô gái làm việc tại một nhà hàng Triều Tiên ở thành phố Ninh Ba, Trung Quốc, đến Hàn Quốc và gây chú ý đối với báo chí quốc tế bởi đây là nhóm người bỏ trốn khỏi Triều Tiên đông nhất trong những năm qua. Bình Nhưỡng tuyên bố họ bị bắt cóc đưa sang Hàn Quốc.
Vào thời điểm xảy ra sự việc, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ra thông cáo cho hay những người Triều Tiên tự nguyện rời đi.
Tuy nhiên, hôm 10/5, trên kênh truyền hình Hàn Quốc JTBC, Heo Gang-il, quản lý nhà hàng nơi 12 nữ bồi bàn làm việc, bất ngờ thừa nhận họ bị bắt cóc và vụ việc do ông cùng Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) dàn dựng.
CNN đã liên lạc với NIS để hỏi về lời kể của Heo nhưng chưa nhận được hồi đáp. Bộ Thống nhất Hàn Quốc trong khi đó thông báo họ đang xem xét kỹ hơn sự việc.
Phản bội
Heo cho biết lần đầu tiên ông gặp một đặc vụ NIS là tại Thượng Hải, Trung Quốc, hồi tháng 11/2015. Người này mang đến hợp đồng để ông ký và một lá cờ Hàn Quốc rồi yêu cầu Heo cam kết trung thành. "Tôi thấy tự hào. Chúng tôi thảo luận về các nhiệm vụ tương lai của tôi", ông nói.
Heo cho hay ông sau đó chụp ảnh bên cạnh lá cờ Hàn Quốc, hành động khiến ông trở thành "kẻ phản bội" trong mắt người Triều Tiên. Một trong những khách hàng của Heo không biết bằng cách nào đã phát hiện ra mối liên hệ giữa ông với NIS nên tống tiền ông, đe dọa báo tin với nhà chức trách Triều Tiên. Heo quyết định bỏ trốn sang Hàn Quốc.
"NIS bảo tôi mang theo tất cả mọi người cùng mình nhưng tôi nói với họ rằng không thể. Tôi bảo họ làm như vậy cực kỳ nguy hiểm... NIS yêu cầu tôi mang theo họ bằng bất cứ giá nào", ông cho biết.
Nhà hàng mà Heo quản lý thuê tổng cộng 20 người Triều Tiên làm bồi bàn, nhân viên bếp và biểu diễn nghệ thuật. Đây là một trong rất nhiều nhà hàng Triều Tiên mở ra trên khắp thế giới. Chúng giúp mang về nguồn ngoại tệ đáng kể cho chình quyền.
Nói dối
Heo kể NIS đã lệnh cho ông đánh lừa các nữ bồi bàn và đưa họ tới Hàn Quốc. Ông nói dối rằng sẽ thay đổi địa điểm nhà hàng tới một nơi tốt hơn. "Tôi bảo họ đi thu xếp đồ đạc, chúng ta cần di chuyển. Tôi nói dối họ, đưa họ lên mấy chiếc taxi. Tôi nhờ tài xế đưa họ đến sân bay Thượng Hải".
Theo lời Heo, NIS ra lệnh cho ông không được tiết lộ bất cứ điều gì với các nhân viên bởi nếu phát hiện ra kế hoạch, họ có thể bỏ chạy. Ông có thể bị bại lộ và mất mạng.
Tuy nhiên, trước khi lên đường, ông đã ngầm ra tín hiệu cho hai nhân viên về khả năng họ sẽ tới Hàn Quốc. Cảm nhận thấy có chuyện bất thường, hai người này cùng ba người khác đã rời khỏi nhà hàng. Heo đoán họ đến một nhà hàng Triều Tiên khác ở thành phố Hàng Châu.
Heo và 12 nữ bồi bàn bay tới thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Vé do NIS chi trả. Trước thời điểm tháng 3/2017, công dân Triều Tiên có thể ở lại Malaysia nhiều nhất một tháng mà không cần thị thực. Song điều kiện thay đổi sau vụ việc người được cho là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị ám át tại sân bay Kuala Lumpur hồi tháng 2/2017.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc lúc bấy giờ tuyên bố: "13 người đào tẩu Triều Tiên tự nguyện quyết định rời đất nước và bỏ trốn mà không có sự trợ giúp nào từ bên ngoài".
Muốn trở về
Kênh truyền hình JTBC, Hàn Quốc, tìm tới ba nữ bồi bàn Triều Tiên đào tẩu để phỏng vấn. Họ nói đã bị Heo lừa bỏ trốn. Một người cho biết cô muốn quay trở về Triều Tiên. JTBC không công bố danh tính của ba người và CNN không thể xác minh độc lập.
"Chúng tôi bị đưa vào những chiếc xe. Vài người trong một chiếc... Khi họ đưa chúng tôi đến đại sứ quán Hàn Quốc ở Malaysia, tôi nghĩ đã có chuyện gì đó rất xấu xảy ra", một trong ba nữ bồi bàn mà JTBC phỏng vấn cho hay.
Bà người cùng quả quyết rằng Heo đã đe dọa, nói rằng gia đình họ sẽ bị giết nếu họ trở về. Heo cũng kể lại một chi tiết tương tự trong cuộc phỏng vấn với CNN: "Khi các cô gái nhìn thấy cờ Hàn Quốc, họ bắt đầu hoảng loạn. Tôi nói với họ... Chúng ta đã đi quá xa rồi, không thể quay đầu được nữa".
Heo cho hay họ được trao hộ chiếu với tên giả và lên máy bay tới Incheon, Hàn Quốc. Cuối cùng, nhóm của Heo chỉ cần hai ngày để đặt chân đến Hàn Quốc trong một hành trình có thể mất nhiều tháng đối với những người đào tẩu khác.
Một tuần sau khi 12 nữ bồi bàn Triều Tiên tới Seoul, một đội phóng viên CNN ở Bình Nhưỡng đã phỏng vấn 7 phụ nữ tự nhận mình là các bồi bàn không cùng Heo bay tới Malaysia. CNN không thể xác minh độc lập danh tính những người này.
"Khoảng giữa tháng 3/2016, quản lý nhà hàng họp chúng tôi lại và bảo rằng nhà hàng của chúng tôi sẽ được chuyển tới đâu đó ở Đông Nam Á", trưởng đội nhân viên bồi bàn Choe Hye-yong kể.
Choe kể vào thời điểm người quản lý báo tin, mình cô nhận ra có ẩn tình phía sau và nghi ngờ rằng họ có thể sẽ phải đào tẩu sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, cô chỉ kịp "cảnh báo" cho một nhóm nhỏ nữ bồi bàn.
Triều Tiên hôm 20/5 yêu cầu Hàn Quốc ngay lập tức trao trả các nữ công dân nhằm "thể hiện thiện chí hàn gắn mối quan hệ song phương".
Hiện chưa rõ vì sao Heo quyết định lên tiếng sau quãng thời gian dài im lặng. Bất chấp nguy cơ bị coi là "phản bội", tội danh có thể lĩnh án tử ở Triều Tiên, ông khẳng định vẫn muốn quay trở về nước.
"Tôi rất nhớ cha mẹ và cảm thấy có lỗi vì những thiệt hại mình gây ra cho Triều Tiên", Heo nói.
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)