Lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông từng dùng hình ảnh “môi hở răng lạnh” để nói về tầm quan trọng chiến lược của Triều Tiên với Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. |
Khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền ở Triều Tiên năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khi đó đã ca ngợi lãnh đạo trẻ tuổi và nói rằng “mối quan hệ hợp tác truyền thống hai bên sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai”.
Hai năm sau, ông Kim ra lệnh xử tử người chú Jang Song-thaek, một người được giao nhiệm vụ đối thoại với Trung Quốc và có đầu óc khá cởi mở. Kể từ đó, mối quan hệ hai bên đi xuống nhanh chóng. Nhiều nhà ngoại giao và quan chức Trung Quốc trở thành mục tiêu trong các lời công kích của Triều Tiên.
Trước khi nghỉ hưu vào mùa hè này, ông Ngô Đại Vỹ, nhà ngoại giao lâu năm về vấn đề Triều Tiên, vẫn chưa hề tới Bình Nhưỡng trong một năm trở lại đây. Người thay thế ông cũng có thể không tới Triều Tiên.
Nhiều người cho rằng Trung Quốc áp đặt được quyền lực ngoại giao lên Triều Tiên, tuy nhiên điều này là không chính xác. Giáo sư quan hệ quốc tế Jin Canrong từ Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói: “Chưa từng tồn tại mối quan hệ nào ở cấp thấp hơn giữa hai bên. Chưa bao giờ. Đặc biệt sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Triều Tiên rơi vào khủng hoảng và không nhận được sự trợ giúp đủ nhiều từ Trung Quốc”.
Ngăn ngừa khủng hoảng
Ông Kim Jong-un trong lễ tang cha mình năm 2011. |
Trung Quốc từng tham chiến với Triều Tiên trong cuộc nội chiến 1950-53 và con trai cả của ông Mao Trạch Đông cũng hy sinh ở mặt trận này. Bắc Kinh từng là đồng minh và đối tác thương mại quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.
Dù quan hệ hai bên luôn bị che mờ bởi sự nghi kị, Trung Quốc vẫn “tha thứ” cho sự khiêu khích của Triều Tiên vì họ lo ngại một điều: người Triều Tiên sẽ tràn qua biên giới nếu chiến tranh xảy ra và Bắc Kinh không chấp nhận chính quyền thân Mỹ nằm sát vách.
Cũng vì lí do này, Trung Quốc không áp đặt quá mạnh tay các biện pháp trừng phạt kinh tế vì sợ Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ. Hiện nay, cộng đồng quốc tế, dẫn đầu là Mỹ và Hàn Quốc, đang áp đặt rất nhiều lệnh cấm vận hà khắc lên Triều Tiên. Trung Quốc liên tục kêu gọi các bên bình tĩnh và đối thoại để tìm giải pháp chung.
Giữ khoảng cách với Trung Quốc
Ông Kim thị sát thiết bị gắn lên tên lửa đạn đạo. |
Trước khi qua đời năm 2011, lãnh đạo Kim Jong-il đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ủng hộ con trai ông trong vai trò lãnh đạo Triều Tiên. Sau khi ông Hồ Cẩm Đào về hưu, lãnh đạo Kim Jong-un bắt đầu xa cách đồng minh lâu năm nhất.
“Có rất nhiều vấn đề chính trị ở Trung Quốc mà lãnh đạo Kim không biết. Ngoài ra, ông Kim cũng muốn chứng minh mình không phải con bài của Bắc Kinh”, John Delury, chuyên gia nghiên cứu quan hệ thế giới tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc), nói. “Tôi nghĩ rằng ông Kim luôn muốn giữ khoảng cách nhất định với Trung Quốc”.
Chỉ vài tháng sau khi nắm quyền, ông Kim sửa hiến pháp và khẳng định Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Việc ông Kim xử tử chú Jang năm 2013 càng khiến Bắc Kinh không tin tưởng vị lãnh đạo trẻ tuổi. “Dĩ nhiên là Trung Quốc không vui”, một quan chức ngoại giao Bắc Kinh, nói.
Trong một nỗ lực làm ấm mối quan hệ hai bên, ông Tập đã cử quan chức cấp cao Lưu Vân Sơn tới tham dự lễ duyệt binh năm 2015 của Triều Tiên. Ông Lưu đã đưa cho ông Kim một lá thư từ Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đáp lại sự thiện chí của Trung Quốc, Triều Tiên thể hiện nhiều hành động khiến Bắc Kinh “choáng váng”. Ví dụ tiêu biểu nhất là khi Trung Quốc tổ chức hội nghị BRICS hồi tháng 5, Triều Tiên thử tên lửa hạt nhân hay Bình Nhưỡng bắn tên lửa tầm xa khi Trung Quốc tổ chức Diễn đàn “Một vành đai, một con đường”.
Mối quan hệ như môi với răng
Ông Mao Trạch Đông và con trai cả. |
Lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông từng ví quan hệ Trung Quốc và Triều Tiên như “môi với răng”. Ông Mao dùng hình ảnh “môi hở răng lạnh” để nói về tầm quan trọng chiến lược của Triều Tiên với Trung Quốc. Bất chấp Triều Tiên có nhiều hành động khiêu khích, Bắc Kinh vẫn rất nhún nhường.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc cắt đứt nhập khẩu dầu mỏ từ Triều Tiên, quan hệ hai bên sẽ “rẽ sang một hướng đi khác tiêu cực hơn”. Triệu Tống, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Thanh Hoa-Carnegie ở Bắc Kinh, nói: “Nếu Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay hơn vào Bình Nhưỡng, rất có thể Triều Tiên sẽ thù ghét Trung Quốc không khác gì căm ghét Mỹ”.
Theo Q.Minh (Dân Việt)