Theo các nhà phân tích an ninh, nhà ngoại giao và quan chức Mỹ, việc Trung Quốc cắt đứt một số kênh liên lạc với quân đội Mỹ sẽ làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng không mong muốn về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) vào thời điểm nhạy cảm.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5-8 thông báo chính quyền Bắc Kinh quyết định chấm dứt hợp tác với Mỹ về nhiều lĩnh vực quân sự và dân sự sau chuyến thăm Đài Loan - lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố không thể tách rời - của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố danh sách những lĩnh vực sẽ không còn liên lạc giữa các quan chức nước này và Mỹ, bao gồm những cuộc làm việc giữa bộ quốc phòng hai nước, tham vấn an ninh hàng hải, hợp tác chống di cư bất hợp pháp, hỗ trợ tư pháp, tội phạm xuyên quốc gia, kiểm soát ma túy và biến đổi khí hậu.
Theo hãng tin Reuters, ông Christopher Twomey, học giả an ninh tại Trường Hải quân sau đại học ở California - Mỹ, nhận định việc cắt đường dây liên lạc là đáng lo ngại, nhất là vào thời điểm mà ông cho rằng đây là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng về vấn đề Đài Loan.
Bà Bonnie Glaser, nhà phân tích an ninh thuộc Quỹ Marshall (Mỹ), cũng cho rằng triển vọng để tổ chức các cuộc đàm phán về biện pháp giảm thiểu rủi ro hoặc duy trì ổn định là cực kỳ thấp. Lầu Năm Góc hôm 5-8 nhận xét Trung Quốc đã phản ứng thái quá và nhấn mạnh Mỹ vẫn sẵn sàng xây dựng các cơ chế liên lạc trong trường hợp khủng hoảng.
Trong khi đó, bà Joanna Lewis, chuyên gia về Trung Quốc, năng lượng và khí hậu tại Trường ĐH Georgetown (Mỹ), nhìn nhận: "Thông báo của Trung Quốc về việc hoãn các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu không có gì đáng ngạc nhiên nhưng chắc chắn gây phức tạp. Tôi hy vọng đây chỉ là tạm thời".
Theo chuyên gia Lewis, việc tạm dừng các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu giữa Mỹ - Trung Quốc sẽ gây rủi ro cho tiến trình tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu vào tháng 11 tới, đặc biệt là hợp tác trực tiếp về các vấn đề thách thức liên quan giảm phát thải khí methane.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry ngày 5-8 cho rằng quyết định của Trung Quốc không phải khiến Mỹ bị trừng phạt mà là "trừng phạt cả thế giới". Ông Kerry nhấn mạnh không quốc gia nào nên kìm hãm tiến triển về những vấn đề xuyên quốc gia đang tồn tại chỉ vì khác biệt song phương.
Nhà phân tích các cuộc đàm phán về khí hậu Alden Meyer, thuộc Tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu E3G, tỏ ra lo ngại khi không rõ liệu tuyên bố cắt đứt những cuộc đàm phán của Trung Quốc có áp dụng đối với hoạt động nghiên cứu và hợp tác ở tất cả các cấp không. Nếu có, vấn đề sẽ còn tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, theo hãng tin AP, một số chuyên gia cũng cho rằng 2 quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới này không thảo luận với nhau không có nghĩa là họ không hành động. Lý giải cho điều này, bà Lewis cho hay đang có nỗ lực rất lớn từ các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc để đưa ra kế hoạch trong nước nhằm hạn chế phát thải khí methane.
Kể cả khi sự tham gia, can dự của quốc tế về chủ đề này tạm dừng thì những vấn đề trong nước về khí metan cũng sẽ không dừng lại, vì đó là một phần rất lớn trong kế hoạch chiến lược của Trung Quốc nhằm kiểm soát khí thải. Tại Mỹ, quốc hội cũng sẵn sàng thông qua đạo luật về khí hậu quan trọng nhất trong năm nay.
Lấy ASEAN làm trọng tâm
Phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 29 ở thủ đô Phnom Penh - Campuchia ngày 5-8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết trong bối cảnh hiện nay, nguyện vọng của các nước trong khu vực về duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy an ninh chung không thay đổi. Mong muốn của họ về tăng tốc phục hồi kinh tế và đạt được sự phát triển bền vững không thay đổi. Tinh thần tìm kiếm sự đoàn kết, hợp tác của họ và cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn cũng không thay đổi.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng đã đưa ra 3 đề xuất nhằm phát huy tối đa vai trò của nền tảng hợp tác lấy ASEAN làm trung tâm trong việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)